Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự
truyện
Chủ đề:
tết mt–68
Tác giả:
Huỳnh Văn Quý
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Nhằm bổ
xung thêm cho các bài viết qua nhiều tác giả nói về Tết Mậu Thân
năm 1968 tại thị xã Phan Thiết. Qua bài viết này, tôi xin mạn
phép ghi lại đôi nét chính mà đơn vị tôi đã trực tiếp tham dự,
trong hai đợt Tổng Công Kích do cộng sản phát động trên toàn miền
Nam nói chung và Phan Thiết Bình Thuận nói riêng.
Vào thời điểm CS Tổng Công Kích đột I,
tôi đang Xử Lý Thường Vụ Đại đội 2/954/ĐPQ, có nhiệm vụ phòng
thủ và bảo vệ Trung đội Pháo binh tại đồn Trinh Tường. Trong đợt
Tổng công kích lần II, Tôi chính thức là Đại đội trưởng ĐĐ
2/954/ĐPQ, với nhiệm vụ bảo vệ vòng đai ngoài cho Tòa Hành Chánh
tỉnh Bình Thuận và Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Bình Thuận. Đơn vị
tôi cũng tham gia hầu hết các trận đánh chung quanh vòng đai thị
xã Phan Thiết, như Cổng Chữ Y và Cầu 40, ấp Long Hải, ấp Đại Hòa,
ấp Đại Thiện, Tường Phong, Tân Điền, Cầu Bến Lội (Cố Đại úy
Nguyễn Vũ Chương đã tử trận tại chiến trường này).
Trước khi mô tả hai đợt Tổng Công Kích
của CS Bắc Việt đánh vào thị xã, chúng ta cũng nên nhìn sơ qua
lại bối cảnh an ninh của Bình Thuận lúc bấy giờ. Sau khi tên Điệp
Viên CS nằm vùng đầu tỉnh Bình Thuận là Trung tá Đinh Văn Đệ ra
đi đã để lại cho Bình Thuận một nền an ninh tồi tệ nhất so với
các đời tỉnh trưởng tiền nhiệm. Mặc dù lúc đó Bình Thuận được sự
yểm trợ bởi một Lữ đoàn Kỵ binh Không vận của Hoa Kỳ đóng tại Phi
trường Phan Thiết. Một Trung đoàn của Sư đoàn 23 Bộ binh và một
Chi đoàn Thiết vận xa M113 tăng phái đóng tại Trung Tâm Huấn
Luyện Song Mao. Một Trại Lực Lượng Biệt Kích Mỹ đóng tại Lương
Sơn. Bên cạnh đó còn có Duyên đoàn 28 Hải thuyền, đồn trú tại Bến
Thương Chánh. Thế nhưng lực lượng quân sự ĐPQ và NQ của tỉnh
không đủ khả năng bảo vệ QL1 và các xã, ấp trong tỉnh, ngoại trừ
thị xã Phan Thiết có Tòa Hành Chánh tỉnh và các xã lớn được đặt
BCH quận/chi khu. Tinh thần chiến đấu của các đơn vị ĐPQ & NQ có
phần hoang mang dao động, và bị tổn thất nhiều trong hai năm
1966–1967. Lúc Trung tá Đinh Văn Đệ làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu
trưởng, Tiểu khu Bình Thuận. Mãi sau năm 1975 chúng ta mới biết
Đệ là tên Điệp viên nằm vùng (Xem bài Bình Thuận Những Ngày Tháng
Khó Quên, trang 55, đăng trong Đặc san Ân Tình V của Bình Thuận
năm 2011). Cuối năm 1967, Trung tá Nguyễn Khắc Tuân về thay cho
Đinh Văn Đệ làm Tỉnh trưởng BT, thì đồn MARA được xây dựng bởi
Đại đội Công Binh Chiến đấu dưới sự yểm trợ trực tiếp của một
Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 44 Sư đoàn 23BB.
Đồn này nằm sát QL1 vùng Bàu Ốc thuộc
quận Thiện Giáo, giáp ranh với xã Sông Lũy, quận Hòa Đa. Khi xây
dựng đồn xong, sắp sửa bàn giao cho Tiểu khu, thì Cộng quân lợi
dụng đêm tối trời và dịp cuối tháng, anh em Binh sĩ vừa mới lãnh
lương, lơ là trong việc phòng thủ đã đồng loạt tấn công Đại đội
Công binh và Tiểu đoàn Bộ binh làm cho hai đơn vị này bị tổn thất
đáng kể. Về phía VC có 25 tên bỏ xác tại chỗ, nên ta phải dùng xe
ủi đất chôn tập thể. Sau trận đánh này, Đại đội 2/954/ĐPQ do
Trung úy Nguyễn Tư (Sau này là Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng
TĐ/275/ĐP) làm Đại đội trưởng, tôi là Thiếu úy Đại đội phó, được
BCH Tiểu khu chỉ định lên nhận bàn giao đồn Mara và đồn trú tại
đây. Cũng cần nên nói thêm, đồn Mara là cái gai trước mắt của bọn
cộng sản địa phương, vì Đồn nằm ở một vị trí trọng yếu, chặn
đường giao liên tiếp tế từ Lâm Đồng qua mật khu Lê Hồng Phong.
Đồn còn có nhiệm vụ giữ an ninh cho QL1 nối liền hai đồn
Mara–Nora (ấp Long Hoa) và đồn Sông Lũy, Hòa Đa.
Tết Mậu Thân 1968 tại Phan Thiết
Ngày đầu tiên Đại đội nhận bàn giao,
tôi nhận thấy tinh thần binh sĩ trong đơn vị có phần hoang mang
dao động. Vì trách nhiệm của một Đại đội phó, kiêm An ninh đơn vị
nên tôi có theo dõi các cuộc nói chuyện giữa các Binh sĩ đơn vị
tôi và Binh sĩ đơn vị bạn thì được biết đại ý như:
– Khi mới đến, đơn vị bạn chỉ thấy có
một Đại đội ĐPQ thay thế thì họ nói: “Chúng tôi ở đây cả Tiểu
đoàn và một Đại đội Công binh mà Việt cộng còn dám đánh thì nay
các anh có một Đại đội thì tụi nó lấy đá chọi cũng chết”.
Những mẩu chuyện nhỏ như thế, nó thật
sự tác động đến tinh thần Binh sĩ không ít. Quả thật như vậy,
khoảng mười ngày sau tôi phát giác trong vị trí phòng thủ ở vành
đai đồn có một số binh sĩ lén đào hầm bí mật ngay trong vị trí
các lô cốt do Công binh vừa bàn giao, vì họ nghĩ rằng: Nếu đơn vị
bị địch đánh chiếm thì họ có thể trốn vào hầm bí mật để thoát
thân. Đương nhiên, Trung úy Tư và tôi phải có cách tác động tinh
thần anh em trong toàn đơn vị để lấy lại hào khí của người chiến
binh trong Quân đội VNCH nói chung và người chiến sĩ ĐPQ của Tiểu
khu Bình Thuận nói riêng. Bằng chứng là trong Tết Mậu Thân 1968
và mãi về sau này, đơn vị tôi đã lập được nhiều thành tích đáng
kể. Từ đó không đầy một tháng sau là anh em không còn sợ nữa, đã
tổ chức đi săn bắn xa đồn, đôi khi chúng tôi phải bắn báo động
gọi họ về.
Ngày 29 Tết, đơn vị được lệnh hoán đổi cho đơn vị bạn, không may
cho Trung úy Tư, Đại đội trưởng, khi ra cổng thì vướng phải lựu
đạn trước cửa đồn mà chính anh đã ra lệnh cho Binh sĩ phụ trách
gài không được gỡ sớm như thường lệ khi chưa có lệnh của anh.
Tản thương Trung úy Tư về Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch để điều
trị, tôi nhận trách nhiệm Xử Lý Thường Vụ Đại đội trưởng ĐĐ
2/954/ĐPQ. Đoàn xe đưa đơn vị về phòng thủ đồn Trinh Tường và bảo
vệ Trung đội Pháo binh 105ly tại đây.
Trung Tá Nguyễn Khắc Tuân: (Trung tá
Nguyễn Khắc Tuân “sau lên đại tá, chết tại trại tù Hoàng Liên
Sơn Việt Bắc năm 1978” Tỉnh/Tiểu khu Trưởng Bình Thuận)
Sáng ngày 30 tết, đơn vị tổ chức tiệc
Tất Niên, đến chiều Thường vụ Đại đội tập họp phân công canh gác
như thường lệ thì đơn vị chỉ còn 13 người kể cả tôi. Theo thông
lệ, vào ngày tết cổ truyền của dân tộc, đơn vị nào cũng có một số
ít Binh sĩ vô kỷ luật bỏ đơn vị về ăn Tết với gia đình, nhưng
trường hợp của đơn vị tôi, mất hết 90% quân số thì không thể chấp
nhận được. Xét về mặt tâm lý, tôi thấy có 3 lý do khiến Binh sĩ
trong đơn vị đã trốn về ăn tết với gia đình quá nhiều.
1. Ở một tiền đồn nguy hiểm, nay được
về đến nơi tương đối an toàn ngay trong thị xã nên tâm lý ỷ lại
xem thường.
2.
Quá tin vào thỏa thuận hưu chiến của cộng sản đã ký kết với ta
ngưng chiến trong ba ngày tết.
3. Thông thường Binh sĩ trong đơn vị sợ
cấp trưởng nhiều hơn cấp phó. (Giả sử nếu có Trung úy Tư thì chắc
không vắng mặt nhiều như vậy).
Trưa ngày 30 tết, Phòng 3 Tiểu khu báo
động cho các đơn vị biết là địch có thể bất ngờ tấn công ta trong
dịp tết. Tôi nghĩ năm nào cũng vậy, thượng cấp luôn đề cao cảnh
giác là lẽ đương nhiên, còn cấp dưới thì thường hay ỷ lại, đó là
tâm lý chung. Lệnh cấm trại 100% được Tiểu khu ban hành ngay trưa
hôm đó.
Khoảng
5:00g chiều, tôi nhận lệnh từ Phòng 3/TK, bắt tôi cử một Trung
đội đi tiền đồn. Trước hoàn cảnh quân số thiếu như đã nói trên.
Sau khi dặn dò TVĐĐ [thường vụ đại đội] không cho một Binh sĩ
nào rời cổng trại nếu không có phép của tôi. Tôi lái xe về Phòng
3 để gặp Thiếu úy Trị, Trưởng Phòng 3/TK để nói rõ tình trạng
quân số của đơn vị không thể thi hành lệnh được, và cho đơn vị
khác thay thế, luôn tiện ghé về nhà ở gần trường Phan Bội Châu để
dùng bữa cơm chiều với gia đình trong ngày cuối năm. Khoảng 7:30g
tối, tôi lái xe lên đồn Trinh Tường, lúc đó thị xã đã lên đèn,
nhưng khi qua khỏi đường rày xe lửa đến lò ấp vịt thì tối om. Tôi
lại thấy có người ở trên cột điện, tôi nghĩ là nhân viên nhà máy
đèn sửa điện. Mãi sau này mới biết đó là Đặc công VC cắt dây
điện, nên toàn bộ khu vực từ Lò ấp vịt đến đồn Trinh Tường hoàn
toàn tối thui.
TỔNG CÔNG KÍCH ĐỢT I
Đồn Trinh Tường nằm sát Tỉnh Lộ 8,
đường từ Phan Thiết lên quận Thiện Giáo – Di Linh, Lâm Đồng. Đồn
được chia làm hai khu. Khu hướng nam là Hậu cứ của của Tiểu đoàn
thuộc SĐ 23BB đảm trách. Khu hướng bắc, có Trung đội Pháo binh
105ly và Đại đội 2/954/ĐPQ phòng thủ. Bốn góc có lô cốt làm bằng
xi măng và một pháo đài cao làm từ thời Pháp rất kiên cố. Hai khu
ngăn cách bởi một hàng rào kẽm gai nhưng có cửa liên thông được.
Vì quân số quá ít nên mỗi vọng gác chỉ còn lại 3 người kể cả tôi
và hai tuyền tin cũng đảm trách một vọng gác. Thường Vụ Đại đội
trách nhiệm thường xuyên đi tuần tra, đôn đốc, và đổi gác. Để
khích lệ anh em còn lại, tôi hứa sẽ cho đi phép khi quân số được
ổn định.
Đúng
giờ giao thừa, cộng sản bắt đầu pháo kích, sau khi dứt pháo,
chúng bắt đầu ào ạt tấn công. Mặc dù quân số của đơn vị còn rất
ít, nhưng vẫn chia đều cho các vị trí phòng thủ trọng yếu. Có nơi
một người phải di chuyển từ lô cốt này sang lô cốt khác, chủ yếu
là có tiếng súng nổ khắp nơi để đánh lừa địch bên ngoài không
biết được sự yếu kém của ta về quân số. Riêng Trung đội Pháo binh
quân số cũng thiếu nhiều. Trung úy Trung đội trưởng cũng vắng
mặt, chỉ còn được một thiếu úy. Tôi yêu cầu Pháo binh chỉ để một
khẩu bắn yểm trợ vòng ngoài, còn một khẩu phải hạ nòng để bắn
trực xạ trong những lần địch tấn công theo chiến thuật “tiền pháo
hậu xung” của chúng.
Lợi thế của đơn vị phòng thủ của chúng
tôi là nhờ có pháo đài cao chắc chắn Dùng lựu đạn, phóng lựu,
đại liên từ trên cao vừa thủ vừa công, và yểm trợ rất hữu hiệu
nên đẩy lùi được nhiều đợt tấn công của địch quân. Mặt hướng bắc
và đông bắc nhờ Pháo binh bắn trực xạ nên chúng không làm gì
được. Lợi thế thứ hai là mặt trước đồn (hướng tây) là đường Tỉnh
lộ 8, trống trải dễ quan sát, vả lại bên kia đường là dãy phố,
thỉnh thoảng mới có một đường hẻm, vì vậy mỗi lần địch muốn tấn
công phải chạy vào các con hẻm độc đạo đó để vượt qua đường Tỉnh
lộ 8, mới vào hàng rào phòng thủ đồn, cho nên chúng đã bị bắn hạ
khi xuất hiện ở các đầu hẻm bởi hỏa lực của đơn vị phòng thủ canh
chờ sẵn cứ khi thấy bóng người xuất hiện là tác xạ ngay. Biết
được những điểm yếu của địch, nên chúng tôi dồn hỏa lực vào các
con đường tiến sát của địch để tiêu diệt nên chận đứng nhiều đợt
tấn công của chúng. Nhờ vậy mà chúng tôi cầm chân giữ được đồn
cho tới sáng. Sang ngày mồng một Tết, được Trực thăng Võ trang và
Phi cơ A37 yểm trợ. Đồng thời Tiểu khu điều động các Đại đội
784/ĐPQ, ĐĐ 208/ĐPQ, ĐĐ Cảnh sát dã chiến, Trung đội Tình Báo TK,
và xe Commando Car yểm trợ chia làm hai cánh do Thiếu tá Trần Văn
Chà sau này là Đại tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 45 BB. Suốt
ngày mùng một Tết, đơn vị tiếp viện quần thảo với địch nhưng
không giải vây được cho đồn. Chiều đến thì mỗi đơn vị phải về để
lo phòng thủ vị trí của mình. Điểm yếu của Tiểu khu là quân số
phải trải rộng để phòng thủ diện địa, không có lực lượng trừ bị.
Biết được nhược điểm của ta, nên địch thường dùng chiến thuật
công đồn để tiêu diệt và cầm chân các đơn vị bạn, hoặc công đồn
đả viện để tiêu diệt đơn vị tiếp viện.
Khoảng 5:00g chiều ngày mồng một Tết,
từ trên pháo đài cao trong đồn chúng tôi thấy VC áp dụng chiến
thuật hoán quân. Một số quân đánh chúng tôi từ nửa đêm và ngày
mồng một Tết chạy về hướng ấp Đại Hòa và có số quân khác chạy
ngược lại để thay cho quân vừa rút. Tôi yêu cầu bên Pháo binh cho
bắn đạn nổ chụp, nhưng không ngăn cản được. Từ giờ phút đó, tôi
cảm thấy lo nhưng không dám nói ra. Chúng tôi phải qua hậu cứ
Tiểu đoàn bên cạnh để xin đạn dược bổ xung và thức ăn cho Binh
sĩ. Anh thiếu úy bên Pháo binh cũng lo lắng hỏi tôi phải làm gì
trong đêm nay? Tôi trả lời là phải tử thủ chứ không còn con đường
nào khác. Một mặt tôi yêu cầu anh phải chuẩn bị hai quả đạn, nếu
không còn con đường lựa chọn nào khác thì chúng tôi phải phá hai
khẩu Pháo binh trước khi rút lui. Tôi hứa với anh: “Chúng ta sống
cùng sống, chết cùng chết chứ không bỏ các anh đâu”. Để trấn an
anh, tôi cho biết lối phòng thủ như đêm rồi có hiệu quả, địch
không thể làm gì được ta. Quả thật vậy, suốt đêm mồng một Tết,
địch quân cũng bổn cũ soạn lại là “Tiền pháo Hậu xung”, nhưng
cường độ pháo lâu hơn và tấn công mãnh liệt hơn, nhưng cũng không
làm gì được chúng tôi.
Sang ngày mồng hai Tết, Thiếu tá Chà
một lần nữa lại trực tiếp điều động các đơn vị bạn để giải vây,
lần này tăng cường thêm ĐĐ 443/ĐPQ do Thiếu úy Hải làm Đại đội
trưởng (sau này lên Thiếu tá làm Xã trưởng, xã Châu Thành Phan
Thiết). Gần 2:00g chiều ngày mùng hai Tết, đơn vị tiếp viện bắt
tay được với đơn vị phòng thủ trong đồn. Nhờ vậy mà số binh sĩ
vắng mặt đã về lại đơn vị hơn 2/3 quân số. Còn lại số khác bị kẹt
lại ở các quận xa chưa về kịp. Tuy vậy áp lực địch chung quanh
đồn vẫn không giải tỏa được. Cộng quân vẫn bám và tiếp tục tấn
công đồn cho đến sáng ngày mồng năm Tết. Địch quân tăng cường tấn
công mạnh vào đồn Trinh Tường và Trại Đinh Công Tráng, làm Đại úy
Nguyễn Hữu Chí Yếu Khu Trưởng bị tử thương.
Khoảng 10:00g ngày mồng năm Tết, Chi
đoàn Thiết vận xa M113 và một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 44 Sư
đoàn 23BB. Từ Cầu Sở Muối nhận lệnh giải vây cho đồn Trinh Tường.
Có một điều làm tôi thắc mắc cho đến hôm nay là sau khi đơn vị
bạn đã đẩy lui Cộng quân ra khỏi vòng đai ngoài đồn, thì cả hai
Chi đoàn Thiết vận xa và Tiểu đoàn Bộ binh yểm trợ lại dồn hết
hỏa lực cơ hữu bắn thẳng vào đồn, đến nỗi khẩu đại liên đặt trên
nóc lô cốt phía sau đồn bị bể khiến một xạ thủ bị thương nặng.
Quân trú phòng hoảng hốt tìm chỗ tránh đạn, không dám phản ứng
lại, cuối cùng phải dùng cờ vàng ba sọc đỏ đưa lên phất qua phất
lại làm dấu hiệu thì các đơn vị bạn mới ngưng tác xạ. Chúng tôi
hỏi tại sao, thì đơn vị bạn nói là Tiểu khu báo là đồn Trinh
Tường đã bị VC chiếm rồi, nên họ nhận lệnh đánh lấy lại. Sau đó
đơn vị tiếp viện tiếp tục xuống giải vây cho Trại Đinh Công
Tráng, Yếu Khu Châu Thành Phan Thiết.
Một điều lạ khác nữa, là sau khi đồn
Trinh Tường được giải vây, khoảng một giờ trưa hôm đó, nhiều quả
đạn Pháo binh 105ly bắn rải rác chung quanh đồn, trong đó có hai
quả rớt vào đồn, quả thứ nhất rớt gần cầu tiêu làm một Binh sĩ
đang đi vệ sinh bị thương nhẹ. Quả thứ hai rớt giữa sân gần cột
cờ, trong lúc đó tôi và anh Trung úy Pháo binh (ở nhà vừa lên
cách đó một tiếng) bị trọng thương ở bụng. Hỏi ra thì biết Pháo
binh từ Mường Mán đã bắn. Họ đổ thừa Phòng 3 TK gọi. Lúc đó chẳng
có ai quan tâm làm gì vì cứ nghĩ là do sự nhầm lẫn nào đó thôi.
Riêng ở gia đình tôi có ai đó báo cho ba tôi là đồn Trinh Tường
mất rồi, làm ba tôi hoảng hốt chạy xe Honda lên Nhà xác Quân Y
Viện Đoàn Mạnh Hoạch chờ suốt cả ngày mồng năm Tết.
Suốt đợt một tại đồn Trinh Tường, đơn
vị tôi thu được rất nhiều vũ khí AK và B40. Chung quanh đồn, địch
bỏ lại nhiều xác chết sình hôi thúi không đếm được. Về phía đơn
vị có 3 bị thương, trong đó có 2 Binh sĩ bị thương do đạn phe ta,
một do Pháo binh, một do Thiết giáp, một do đạn địch.
Đợt II
Chiều ngày mồng năm Tết, đơn vị tôi
được Phòng 3/TK điều về phòng thủ và bảo vệ Trung Tâm Yểm Trợ
Tiếp Vận và Tòa Hành Chánh tỉnh Bình Thuận, Đơn vị được phối trí
như sau:
Trung
đội 1 và 3 được tăng cường một Phân đội Đại liên, phòng thủ từ Ty
Cảnh Sát (hướng nam) dọc đường Cao Thắng xuống bắt tay với Liên
Đội Nghĩa Quân của Đại úy Đài. Liên đội này phòng thủ dọc đường
Cao Thắng đến góc đường Cao Thắng–Huyền Trân Công Chúa, Trường
Tiểu Học Bình Hưng để bảo vệ hướng nam của Tòa Hành Chánh tỉnh và
Lao Xá cùng Ty Công Chánh.
Trung đội 2 cùng 2 Phân đội Đại liên và
Súng cối của Trung đội Vũ khí nặng chịu trách nhiệm phòng thủ từ
Ty Cảnh Sát (hướng bắc) dọc đường Cao Thắng giáp góc đường Thủ
Khoa Huân với nhiệm vụ bảo vệ vòng đai ngoài cho Trung Tâm Yểm
Trợ Tiếp Vận Bình Thuận.
Tiểu đội Viễn thám Đại đội làm tiền
đồn, hoạt động từ Ga xe lửa qua Trường Trung Học Phan Bội Châu
xuống đến Chùa Giác Hoa. Lúc này đơn vị quân số đầy đủ, ban ngày
đi hành quân theo lệnh của Phòng 3/TK, đêm về phòng thủ khu vực
trách nhiệm như đã mô tả trên.
Trưa ngày 17 tháng 2 năm 1968, Đại đội
nhận được tin từ Phòng 2/TK và Phòng 3/TK, báo cho biết đêm nay
(17/2/1968) Việt cộng sẽ Tổng công kích đợt II vào thị xã Phan
Thiết. Được tin báo, tôi cho tu sửa, bổ xung vị trí phòng thủ,
tăng cường đạn dược. Vào khoảng 5:00g chiều ngày 17/2/1968, Phòng
3/TK điều động Liên đội Nghĩa Quân đi nơi khác, bỏ lại khoảng
trống, và Phòng 3/TK ra lệnh cho đơn vị tôi đảm trách phòng thủ
luôn. Như vậy là hai Trung đội 1 và 3 của Đại đội 2/954/ĐPQ,
ngoài chịu trách nhiệm tuyến phòng thủ cũ, nay phải gánh thêm
tuyến phòng thủ của cả một Liên đội Nghĩa quân giao lại, với
chiều dài gần 500m. Trước tình hình đó, tôi buộc lòng phải rút
Tiểu đội Viễn thám về tăng cường.
Khoảng 9:00g tối ngày 17/2/1968, trước
mặt tuyến phòng thủ của Ty Cảnh Sát và đơn vị tôi có tiếng súng
nổ. Khoảng 15 phút sau, Tiểu đội Viễn thám bắn báo động và báo về
BCH/Đại đội nói có đơn vị bạn nào đó xin vào. Tôi trực tiếp liên
lạc về Phòng 3/TK, thì được Thiếu úy Trị, Trưởng Phòng 3/TK bảo
tôi đó là Trung đội Tình báo của Phòng 2/TK đi tiền đồn chạm
địch, cứ cho họ vào nhưng phải nhận diện xem có phải Trung đội
trưởng nói tiếng Hòn hay không (Hòn chỉ Đảo Phú Quý), nếu đúng
thì cho vào, và đơn vị tôi phải giạt ra hai bên nhường khoảng
giữa cho Trung đội Tình báo chịu trách nhiệm. Thi hành chỉ thị
của Thiếu úy Trị P3/TK xong thì cũng là lúc Cộng quân bắt đầu tấn
công vào Đơn vị tôi và Ty Cảnh Sát rất ác liệt. Lúc này mỗi đơn
vị tự lo chiến đấu không còn ai tiếp ai được nữa.
Không biết vì lý do gì mà Trung đội
Tình báo lại bỏ vị trí phòng thủ rút về P2/TK, đơn vị tôi nằm
cạnh bên không hề hay biết. Thừa cơ hội đó Việt cộng vào Lao Xá
thả khoảng 700 tù nhân. Khi tù nhân chạy ra thì đơn vị tôi mới
biết báo về cho tôi, tôi ra lệnh cho Trung đội 3 bằng mọi giá
phải đến trám khoảng trống đó. Trong lúc chuyển quân thi hành
lệnh tôi, Trung sĩ nhất Cậy, Trung đội trưởng bị thương cánh tay
trái (Một HSQ rất gan dạ có nhiều kinh nghiệm và có tinh thần
chiến đấu cao), nhất định không chịu đi Quân Y Viện mà xin ở lại
vừa chiến đấu vừa điều trị tại đơn vị. Để tưởng thưởng người HSQ
can trường đó, sau này tôi đề nghị cho anh theo học khóa Sĩ Quan
Đặc Biệt tại Trường BB Thủ Đức. Ra trường, chiến hữu Cậy chuyển
về phục vụ tại Vùng II Chiến Thuật và đã anh dũng hy sinh tại
chiến trường này. Viết những dòng trên cũng là để vinh danh và
tưởng niệm một chiến hữu đã đóng góp mồ hôi và máu của mình để
phục vụ bảo vệ quê hương Bình Thuận của chúng ta nói riêng và
miền Nam tự do nói chung.
Cũng nhờ đơn vị phát giác và phối trí
kịp thời nên đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, giữ vững được
phòng tuyến, ngăn chận được cánh quân ngoài muốn vào bổ sung,
tăng cường phối hợp với toán quân đã vào trước trong Lao Xá, vì
vậy toán quân trên không đủ sức đánh chiếm Tiểu khu để “Giải
phóng Phan Thiết” đúng như mưu đồ mà chúng đã áp dụng tại thành
phố Huế. Trong Tiểu khu chỉ có một Trung đội công vụ phòng thủ và
một số cán bộ hành chánh các ngành thuộc các Phòng, Ban tham gia
chiến đấu bảo vệ vòng trong.
Khoảng 4:00g chiều ngày 28/2/1968, sau
khi Thiếu tá Mai Lang Luông, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/44
SĐ23/BB bị trọng thương trong lúc chỉ huy Tiểu đoàn đánh chiếm
lại Lao Xá. Vừa lúc đó Đại tá Trương Quang Ân, Tư Lệnh SĐ23/BB và
Khu 23 Chiến Thuật, đáp trực thăng bước xuống một cách hào hùng,
đóng vai thay thế Tiểu đoàn trưởng vừa bị thương. Ông đã trực
tiếp chỉ huy Tiểu đoàn đánh lấy lại Lao Xá một cách ngoạn mục,
nhanh gọn và oai hùng. Tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đơn vị cộng
sản cố thủ trong Lao Xá sớm hơn chúng định giải phóng Phan Thiết.
Qua hai đợt Tổng Công Kích Tết Mậu Thân
năm 1968, Cộng quân đã điều động Tiểu đoàn 480, Tiểu đoàn 482
chính quy, C 481 Đặc công, C 430, C 450 Chủ lực tỉnh cùng C 485
pháo với các đơn vị võ trang địa phương Huyện do Tướng Năm Ngà,
Tư Lệnh Quân Khu 6 đích thân chỉ huy, quyết tâm đánh chiếm thị xã
Phan Thiết, nhưng chúng đã không đạt được mục đích mong muốn, mà
còn nhận lấy một thảm bại nặng nề và nhục nhã vì sự chống trả
mãnh liệt của lực lượng Quân đội VNCH tại Bình Thuận.
Nhằm tưởng thưởng và khích lệ cho các
quân nhân hữu công trong hai đợt Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm
1968. Toàn thể Quân Nhân các cấp trong Tiểu khu được ân thưởng
một cách xứng đáng. Trong đó tôi là Thiếu úy Đại đội trưởng ĐĐ
2/954/ĐPQ, Thiếu úy Nguyễn Văn Trị Trưởng Phòng 3/TK, Thiếu úy
Nguyễn Thanh Hải ĐĐT/ĐĐ3/443/ĐPQ được thăng trung úy đặc cách.
Thiếu tá Trần Văn Chà, Tiểu khu phó được đặc cách lên trung tá và
nhiều quân nhân hữu công khác được ân thưởng xứng đáng.
Điều làm tôi thắc mắc trong đợt Tổng
Công Kích lần hai là không hiểu vì sạo Tiểu khu biết chính xác
ngày giờ và mục tiêu địch sẽ tấn công đánh chiếm vào cơ quan đầu
não của tỉnh, mà giờ chót P3/TK lại điều quân rút bỏ trống vị trí
phòng thủ như đã mô tả phần trên. Trong khi Tiểu khu lúc bấy giờ
đã có thêm một Tiểu đoàn của Trung đoàn 44/SĐ23 BB và Chi đoàn
Thiết vận xa M113 tăng phái mà không được điều động để truy kích
đơn vị Cộng quân rút lui băng qua cánh đồng ruộng muối trống trải
trước mặt Chùa Vạn Thiện.
Giả sử, nếu đơn vị tôi không phát giác,
không điều quân trám kịp để giữ vị trí phòng thủ sau khi Trung
đội Tình báo Tiểu khu rút bỏ, để địch quân vào đúng như kế hoạch
của chúng thì chuyện gì sẽ xảy ra cho Tiểu khu Bình Thuận? Cho
thị xã Phan Thiết? Tôi nghĩ rằng cho đến hôm nay tôi phải nói ra
những điều này và có lẽ trong Ban Tham Mưu Tiểu khu không ai biết
được việc làm của Đại đội tôi lúc đó và lối điều binh Phù thủy
của Phòng 3/TK qua lệnh của ai đó!
Nhắc lại quá khứ hào hùng lẫn bi thương
cũng chỉ làm đau lòng người Chiến sĩ Quốc gia đã nặng lòng với
quê hương, tổ quốc, nhất là những kẻ ly hương như chúng ta đã
không làm gì được nhiều để giúp đỡ anh em Thương Phế Binh và các
đồng đội đang chịu đói khổ, mất tự do nơi quê nhà. Mỗi năm chỉ có
một ngày Đại Hội Ân Tình, để anh em có dịp ngồi lại tâm tình,
vinh danh, tưởng nhớ về những Chiến hữu đã hy sinh và góp chút
quà ân tình gởi về cho các anh em Thương Phế Binh, vậy mà cũng có
kẻ đánh phá chụp mũ, xuyên tạc... Cũng cần nói rõ... Hội Tương
Trợ Bình Thuận không dựa vào một tổ chức Chính trị hay bất cứ tổ
chức Tôn giáo, Đảng phái nào. Không mưu đồ chính trị hay bè phái
cá nhân để mưu cầu những lợi lộc nhỏ nhen nào, tất cả anh em tham
gia vào Hội, chỉ biết đem hết nhiệt tình và khả năng ra để phục
vụ. Chúng ta dù là cựu Học sinh Phan Bội Châu, Bạch Vân, Tiến
Đức, Bồ Đề, Chính Tâm, hay xuất thân từ những Trường Huyện xa xôi
như Bán Công Phan Rí Cửa, Long Hương, Sông Mao. Dù sau này có
xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Bộ Binh Thủ Đức, hay
Đồng Đế Nha Trang, hay bất cứ Quân Trường nào khác thì cũng là
con dân Bình Thuận, hoặc đã Chiến đấu cho Bình Thuận được an vui,
trong những năm chiến tranh khốc liệt do cộng sản Bắc Việt gây
nên.
Cho dù
phục vụ trong ngành nghề hoặc quân chủng nào, cũng vẫn là người
chiến sĩ can trường của QLVNCH. Cùng mang trên vai dòng chữ: Tổ
Quốc–Danh Dự–Trách Nhiệm cho hết một đời và luôn luôn sống trong
tình Huynh đệ Chi binh. Chúng ta đã từng trải qua một thời binh
lửa, cùng chen vai sát cánh chiến đấu với kẻ thù chung là cộng
sản bảo vệ miền Nam và Bình Thuận thân yêu. Chúng ta cũng đã cùng
nhau chịu chung một số phận nghiệt ngã, đầy tủi nhục, phải làm kẻ
bại trận, bị tù đày khổ sai qua các nhà tù và bị đối xử dã man
của những người cộng sản không tánh người. Như vậy chúng ta không
có lý do gì mà không đoàn kết lại để làm cái gì đó giúp người còn
ở lại bên quê nhà.
Chúng ta phải tự hỏi chính lòng mình:
Đã, đang, và sẽ làm gì cho các chiến hữu đang sống lầm than cơ
cực, mất tự do nơi quê nhà, nhất là các anh em Thương Phế Binh.
Những hành động cụ thể của một số lớn anh em đã thể hiện qua 5
lần Đại Hội Ân Tình, dù không giúp được nhiều, nhưng cũng đã làm
vơi đi bớt nỗi thống khổ và gởi đến niềm an ủi dù nhỏ nhoi đến
các anh. Những hành động này ít nhiều đã nói lên tinh thần trách
nhiệm của một Quân nhân mà Tổ Quốc đã một lần giao phó.
Tâm nguyện của kẻ ra đi là không bao
giờ quên người ở lại. Nguyện cầu Anh linh Quốc tổ, Hồn thiêng
Sông núi oai linh trừng phạt kẻ bạo quyền cho đất nước được tự do
no ấm, cho người chiến binh VNCH mãi mãi có chỗ đứng trong lòng
người Dân Việt. Và ước nguyện những lần Đại Hội kế tiếp được
thành công, anh em cùng tham gia đông đủ để cùng nhau giúp đỡ
Thương Phế Binh ở quê nhà.
Huỳnh Văn Quý
Cựu Tiểu đoàn trưởng TĐ249/ĐP/BT
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by tqh chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, January 11, 2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang