Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
Ghi
Chủ đề:
50 năm – QH30T4Đ
Tác giả:
HQ Trung tá Trần
Hương – Khóa 9/NT
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
ĐỜI THỦY THỦ & ĐÊM GIANG HÀNH LỊCH–SỬ/Sài Gòn Trong Những
Ngày Cuối Cùng.
Người Thủy Thủ Già Khóa 9
HQ Trung tá Trần Hương
– Khóa 9/NT
Chương II. Sài Gòn Trong Những Ngày Cuối Cùng.
Sau khi các Đơn Vị Hải
Quân của Vùng I, Vùng II Zuyên Hải, và TTHL/HQ rút về Sài Gòn,
thì khu vực Hải Quân trở nên náo nhiệt, từ Cát Lái cho đến trại
Bạch Đằng. Áp lực của Việt cộng ở phía Bắc Sài Gòn càng ngày càng
trở nên nặng nề.
Phi cơ phản lực A37 có huy hiệu của
Không Quân VNCH, phát xuất từ Phan Rang, dội bom Dinh Độc Lập.
Phi trường TSN, máy bay Mỹ lên xuống liên tục để di tản
“non–essential personnel” của tòa Đại Sứ Mỹ và của các hãng thầu.
Một số đồng bào Việt Nam “lạnh cẳng” cũng xô đẩy nhau vào... ăn
có.
Pháo binh
của cộng sản nhả đạn liên tục “giã nát” phi trường Tân Sơn Nhứt
và trại Hoàng Hoa Thám của Sư Đoàn Dù. Vài quả rơi vào thành phố
Sài Gòn giết đồng bào một cách vô tội vạ. Có một quả rơi vào cư
xá Hải Quân Lê Thánh Tôn, làm phu nhân Đại tá Nguyễn Hiền Năng,
K3/SQNT, bị tử thương.
Sợ đạn pháo kích tiếp tục rơi vào khu
vực Hải Quân gây thiệt hại cho gia đình, tôi bàn riêng với Phó
Đề Đốc TMT/HQ về việc đưa 2 gia đình chúng tôi đi Phú Quốc lánh
nạn, còn chúng tôi ở lại tử thủ với Đô Đốc Tư Lệnh. Phó Đề Đốc
Thủy đồng ý và tìm cho tôi 16 vé Air Vietnam đi Phú Quốc. Đến
ngày lên phi cơ, thì phi trường TSN đóng cửa vì bị hư hại nặng nề
sau trận pháo kích của Cộng quân. Trong cái rủi cũng có cái may,
nếu 2 gia đình đi Phú Quốc một cách suôn sẻ, thì khi hạm đội rời
hải phận Việt Nam, hai gia đình chúng tôi sẽ bị mất liên lạc.
Trường hợp này nếu xảy ra chắc tôi phải theo tàu Việt Nam
Thương Tín trở về Việt Nam với Trần Đình Trụ, K8/SQHQ/NT vì dường
như gia đình Trần Đình Trụ cũng đang chờ anh ở Phú Quốc.
Các đơn vị Hải Quân được lịnh cấm trại
100%. Để giữ vững lòng tin và tránh cảnh hỗn loạn có thể xảy ra
như trường hợp của cuộc tan vỡ của Quân Đoàn I và Quân Đoàn II,
Tư Lệnh HQ nghiêm khắc chỉ thị: “Hải Quân không có kế hoạch di
tản”. Có một vài anh em không nghiêm chỉnh thi hành lệnh cấm
trại, trốn về nhà với gia đình, nên khi hạm đội rời Sài Gòn các
anh bị kẹt lại. Sau này gặp lại tôi ở Mỹ, các anh này trách
ĐĐ/TL ra đi không cho họ biết... Oh, well!
Trong thời gian đó có một vị Đơn Vị
Trưởng của một đại đơn vị âm thầm, đơn phương “vẽ” một kế hoạch
(di tản) đưa tàu ra biển kể cả việc (theo lời đồn) chỉ thị một
Dương Vận Hạm (LST) neo tại Nhà Bè chờ lịnh. Đặc biệt kế hoạch
này sẽ không có “chỗ trống” cho CNO. Kết quả là vị Đơn Vị Trưởng
này bị giải nhiệm... tout suite! (ngay tức khắc).
Các “cố vấn” Mỹ như Đại tá Joe Gildea
ra vào BTL/HQ với gương mặt khẩn trương và tự đặt mình trong tình
trạng báo động. Bên người luôn luôn đeo theo một radio transistor
ở vị trí “ON” để chờ nghe bản nhạc... Ngựa Phi Đường Xa. Việc
phòng thủ khu vực Hải Quân được chia làm 3 Phân Khu do Đại tá Bùi
Kim Nguyệt, K3/SQNT và Trung tá Tòng, K7/SQNT, chỉ huy.
– Phân Khu I: công trường Mê Linh do
Trung tá Xuân, K10/SQNT, đảm trách;
– Phân Khu II: HQCX
[Hải Quân Công
Xưởng], do Đại tá Trần Văn Triết, K7/SQNT, trách nhiệm;
– Phân Khu III: trại Cửu Long (không
nhớ tên). Trung tá Xuân, CHT Tổng Hành Dinh, cũng là một trong số
bạn sinh tử với tôi, mở kho vũ khí trao cho tôi 2 khẩu M18 để
thường trực trên xe jeep... phòng thân.
Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, tôi qua
BTL/HQ thì gặp Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, TMT/HQ và ông cho biết
ông vừa đại diện Đô Đốc Tư Lệnh lên gặp Tổng thống và được Tổng
thống Dương Văn Minh chỉ thị: “Kể từ giờ phút này, các anh được
toàn quyền quyết định cho đơn vị mình”, Đô Đốc Thủy còn nói thêm
với tôi “mình sẽ rời Sài Gòn đêm nay”. Lúc đó vào khoảng 2:00g
chiều ngày 29 tháng 4, năm 1975. Trên bầu trời Sài Gòn lúc đó
tràn ngập trực thăng loại đổ bộ của US Marine, ồn ào như đàn ong
vỡ tổ cộng với tiếng gầm như gào thét của phản lực cơ hộ tống của
US Navy, đáp lên, đáp xuống ở điểm hẹn để rước “American Citizens
và American Buddies” ra hàng không mẫu hạm, ngoài khơi Vũng Tàu.
Trước cảnh hỗn loạn đó làm cho lòng tôi cảm thấy bồi hồi, muốn
rơi nước mắt. Tôi hồi tưởng lại vài năm trước, một ký giả ngoại
quốc ôm máy ảnh ngồi chờ ở nhà hàng Continental để chụp tấm ảnh
đầu tiên khi T54 của cộng sản tiến vào Sài Gòn, tôi cười... no
kidding! Nhưng bây giờ tôi mới biết mình là thằng khờ.
Theo kế hoạch của Đô Đốc Tư Lệnh, nếu
Sài Gòn thất thủ thì tất cả hạm đội và các đơn vị yểm trợ rút ra
ngoài biển, tập trung rồi kéo về miền Tây cố thủ.
Với một người không có căn bản quân sự
thì việc đưa Hạm Đội ra khỏi Sài Gòn là một hành động “tháo chạy”
nhưng với cá nhân tôi thì đó là một quyết định “di binh chiến
lược” để bảo toàn lực luợng và tiềm năng chiến đấu của QLVNCH. Đó
là quyết định cuối cùng (không có sự lựa chọn) chỉ cần chờ giờ...
G... để xuất phát. Thủy trình của hạm đội từ Sài Gòn ra biển phải
theo hai thủy lộ: sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp, nếu đặc công
đánh chìm tàu buôn để “khóa” hai con sông này thì Hải Quân ta như
cá nằm trên thớt. Việt cộng sẽ dùng hỏa công (trọng pháo) đốt
chúng ta không còn... manh áo va–rơi.
Giờ... G... đã tới!
Tôi từ giã Đô Đốc TMT về văn phòng thu
dọn giấy tờ và tìm cách đón gia đình tôi, ở bên cư xá Văn Thánh,
chỉ cách HQCX bằng một con kinh. Tôi không có dịp từ giã CHT tôi
là Đại tá Ngô Khắc Luân và sĩ quan trong bộ tham mưu.
Các nút chặn Mê Linh và Cường Để đã
khóa kín vì dân chúng ở ngoài quá đông chỉ chờ có lỗ trống thì
tràn vào. Tôi tự nghĩ, mình có thể ra, nhưng chưa chắc mình và
gia đình có thể trở vào.
Tôi trở vào HQCX để tìm phương thức
khác, thời may lúc đó có một chiếc LCVP của TTHL/Bổ Túc đi chợ
Thị Nghè, tôi nhờ mấy anh em thủy thủ đưa qua “kinh Văn Thánh”,
ủi bãi cạnh nhà Trung tá Tòng, Tư Lệnh Phó/BTL/HQ/BKTĐ. Tôi đứng
giữ tàu, tay thủ khẩu M18 (bây giờ đổi tên là AR15, weapon of
choice của mấy anh Red Neck), nhờ anh thủy thủ vào nhà tôi và đón
gia đình tôi xuống tàu. Cùng lúc cũng có gia đình anh Hoàng Thế
Thái, K8/SQNT, cùng tháp tùng qua sông. Trên bờ, mấy anh lính
TQLC cầm súng M16 bắn chỉ thiên mấy phát, miệng la lớn “tụi nó
chạy rồi tụi bay ơi!”. Tôi sợ mấy anh này mất bình tĩnh, chĩa
súng về phía chúng tôi thì rất nguy hiểm. Tôi cho LCVP rút ra
ngay để về cặp cầu bên HQCX. Khi rời tàu, chúng tôi và gia đình
anh HTT chia tay, tôi phải đưa gia đình tôi đi “gửi” tạm một nơi
an toàn để tôi có thể trở lại đón khi cần. Tôi chỉ có đủ thì giờ
đón được vợ và hai con, còn cha mẹ, anh em đều bị kẹt lại vì
không có chuẩn bị trước.
Sau này anh HTT đã tố khổ tôi với một
số bạn bè và nói những điều không tốt về tôi. Trong tình trạng
dầu sôi lửa bỏng đó, mạnh ai nấy tự lo cho mình chứ không ai có
khả năng và phương tiện để lo cho người khác. Vào phút chót,
chính ông Tư Lệnh HQ, tôi, và mấy cận vệ cũng không biết mình sẽ
lên chiến hạm nào trong khi các chiến hạm lớn đã tháo dây ra lênh
đênh giữa dòng.
Tôi trở lại BTL/HQ, Trung tá Nguyễn
Tuấn Khanh, Chánh Văn Phòng TL/HQ, thấy tôi mừng rỡ và bỏ nhỏ:
“Anh H. ở lại với Tư Lệnh, tôi còn phải về đón gia đình”. Khanh,
K10/SQNT, khoá sau tôi nhưng chúng tôi là bạn thân, đặc biệt là
có chung một lập trường, nên việc bảo vệ cho Đô Đốc Tư Lệnh là
trách nhiệm chung và ĐĐ Tư Lệnh tin cậy chúng tôi một cách tuyệt
đối. Trung tá Khanh rời BTL/HQ và không trở lại được. Toán bảo vệ
an ninh cho Đô Đốc Tư Lệnh chỉ còn tôi và 5 anh Cận Vệ: Thuận,
Thâu, Phúc, Quang, và Vân; các anh em này đều là hạ sĩ quan Hải
Quân và họ đã sống gần gũi với Tư Lệnh nhiều năm.
Tôi đi một vòng ngoài văn phòng Tư
Lệnh, tôi thấy có hai người đàn ông mặc thường phục, mặt rất khẩn
trương, tôi chào xã giao nhưng không gợi chuyện. Về sau tôi mới
biết là người nhà của Tổng thống Dương Văn Minh.
Tôi đang sắp đặt công việc với các anh
cận vệ thì có một anh quân cảnh từ công trường Mê Linh vào gặp
tôi và cho biết: Có một Đại tá Dù muốn gặp tôi gấp. Anh QC liền
lái xe đưa tôi ra nút chặn, tôi thấy Tường, bạn cùng khóa với tôi
ở trường CH&TM Long Bình, đứng ngăn cách với tôi bằng 5 lớp hàng
rào “kẽm gai”. Tường nhìn tôi mừng rỡ, rơm rớm nước mắt, nói qua
giọng nghẹn ngào: “Căn Cứ của tao bị pháo cháy hết rồi H. ơi!”.
Tường cho biết anh đã đứng chờ hơn 4 tiếng đồng hồ tại đây nhưng
không thể nào vào đuợc.
Trời xui, đất khiến, click! Một ánh
sáng chớp trong đầu, anh bỗng nhớ tên tôi, nên nhắn tin cầu cứu.
Tôi nhìn kỹ thấy Tường và gia đình đứng lố nhố bên cạnh chiếc
jeep. Tôi nhờ các anh quân cảnh kéo mấy “con ngựa kẽm gai” cho
gia đình Tường đi qua. Cũng như gia đình anh HTT, tôi để Tường và
gia đình tự tìm phương tiện ra biển vì tôi còn phải trở lại với
Tư Lịnh.
Tường
và tôi mất liên lạc kể từ chiều hôm đó, cho đến đúng 39 năm sau
(29 Tháng 4 Năm 2014) Tường và tôi mừng rỡ “gặp nhau” qua điện
thoại. Tường cho biết hắn và gia đình, đêm đó ra khơi bằng
HQ–502. Và hắn cũng không quên kể cho tôi sự gian truân khi tìm
nhảy một “sô (saut) bồi dưỡng” cuối cùng bằng tàu thủy. Tường
cũng báo cho tôi tin buồn là Trung tá Trần Văn Vinh, CHT/TTHL/ND,
cùng học khóa CH&TM với chúng tôi đã qua đời trong trại tù cải
tạo.
Khi Trung
tá Khanh rời BTL/HQ, không có trao cho tôi kế hoạch di tản, tôi
cũng không nhận được khẩu lệnh của Đô Đốc nên tôi tự hoạch định,
sắp xếp cho cuộc ra đi được an toàn và suôn sẻ.
Vào lúc 6:30g tối, tôi chỉ thị một anh
cận vệ về tư dinh Đô Đốc để đón gia đình Đô Đốc Tư Lệnh và gia
đình tôi.
Vào
lúc đúng 7:00g (1900H) trời vừa sập tối, tôi thấy những chiến hạm
lớn đậu ở cầu B và các cầu tàu trong HQCX đã tháo giây ra giữa
dòng. Tôi mời Đô Đốc Tư Lệnh lên đuờng.
Tôi dẫn đầu với một thủy thủ tên Tiếng
(nhân viên theo tôi trong những ngày cuối cùng), hướng dẫn Đô Đốc
Tư Lệnh và gia đình theo sau, 5 anh em cận vệ chia nhau bảo vệ
hai bên sườn và đoạn hậu. Tất cả chúng tôi đều trang bị M18 (7
khẩu) cho gọn gàng, riêng tôi còn có thêm một khẩu “rouleau” nhỏ
ngắn nòng, bên hông. Đoàn người rời văn phòng Tư Lệnh và đi về
hướng cầu A vì nơi đây còn có 2 chiếc PGM, mũi hạ dòng, chưa vào
nhiệm sở vận chuyển.
Quãng đường tuy ngắn nhưng tôi cảm
thấy... quá dài và rất nguy hiểm, tinh thần chúng tôi căng thẳng
và cảnh giác vì sự bất trắc có thể xảy ra trong chớp mắt.
Đoàn người lầm lũi đi trong bóng đêm.
Công trường Mê Linh súng nổ liên hồi, anh em quân cảnh bắn dọa
chỉ thiên để chặn sự hỗn loạn và đập phá chướng ngại vật. Ngoài
phố dân chúng chạy ngược chạy xuôi mặt mày hơ hãi. Trên sông Sài
Gòn, PCF và PBR đảo tới, đảo lui... at full speed, quậy sóng cuồn
cuộn.
Khi đoàn
“công voa” đến cây cầu nhỏ, nối liền Bến Bạch Đằng và cầu A, thì
một số thủy thủ bỏ tàu đi ngược về phía chúng tôi. Chúng tôi
xuống chiếc PGM 611, cặp ở vị trí trong cùng, không thấy sĩ quan
hiện diện mà chỉ có một số ít thủy thủ đứng trên boong tàu, miệng
la to “tàu không đi, tàu không đi”.
Chúng tôi trèo qua chiếc PGM ngoài cùng
thì gặp Đại úy Trần Minh Chánh (con trai Đề Đốc Trần Văn Chơn)
và Đại tá Nguyễn Văn Ánh, còn những vị khác hiện diện trên tàu,
trong giai đoạn khẩn trương này, tôi không để ý. Tôi yêu cầu Đại
úy Chánh đưa chúng tôi rời khỏi Sài Gòn. Đại úy Chánh, Hạm
Trưởng PGM, ngần ngừ một chút rồi trả lời: “tàu vừa đi công tác
về và vừa lấy dầu xong, chúng tôi không có ý định rời Việt Nam vì
ba tôi (ĐĐ Chơn) và gia đình còn ở lại, và kể cả gia đình của
thủy thủ đoàn”. Nhưng sau một phút suy nghĩ, Đại úy Chánh lại
nói với tôi: “Tôi đưa quý vị ra đến biển rồi chúng tôi sẽ quay
trở về”.
Hạm
Trưởng Trần Minh Chánh liền ra lệnh tháo giây, HQ–601 từ từ tách
bến, khởi đầu cho Đêm Giang Hành Lịch Sử.
HQ–601 rời Sài Gòn, không đèn hải hành,
âm thầm di chuyển trong đêm. PCF và PBR vẫn ngược xuôi quậy sóng
bao quanh các chiến hạm như để hộ tống, luyến tiếc tiễn đưa những
người bạn, đã một thời chiến đấu bên nhau, ra khơi lần cuối.
Kho đạn Thành Tuy Hạ bị pháo kích bốc
cháy sáng rực một góc trời, bom, đạn nổ ầm ầm liên tục. Hạm đội
từ chiếc, từ chiếc, nối đuôi nhau vận hành ra biển. Thành phố Sài
Gòn về đêm đang hấp hối trong ánh đèn không đủ sáng.
Đô Đốc Tư Lịnh ngồi ở ghế hạm trưởng,
gương mặt khẩn trương. Tôi đứng bên cạnh, tôi đặt một tay vào tay
ông, tôi cảm thấy tay ông run run xúc động. Trách nhiệm của ông
quá lớn, liên quan đến Hạm Đội và hơn 40,000 binh sĩ dưới quyền.
Những gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới?
Tàu rời bến Nhà Rồng, rồi qua Nhà Bè và
dưới sự chỉ huy khéo léo và kinh nghiệm của Hạm Trưởng Trần M
Chánh HQ–601 đã ra đến biển một cách bình an. Riêng HQ–1 bị mắc
cạn và HQ–502 bị Việt cộng “pháo” trực xạ tại cửa Cần Giờ lúc
3:00g sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Chúng tôi lên HQ–3 do Trung tá Nguyễn
Kim Triệu, K7/SQNT, làm Hạm Trưởng. Tôi nhận thấy sự có mặt của
Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Phó Đề Đốc
Đinh Mạnh Hùng, và Đại úy Armitage (Phú). Trong lúc rời HQ–601
một cách vội vã, tôi không kịp bắt tay từ giã Đại úy Chánh và
nói tiếng cám ơn, thật là một điều sơ xuất. HQ–601 hoàn tất nhiệm
vụ và quay trở về Sài Gòn.
HQ–3 trở thành soái hạm của Hạm Đội di
tản. Đô Đốc Tư Lệnh, qua máy truyền tin, chỉ thị tất cả chiến hạm
tập trung tại Côn Sơn chờ lệnh.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên máy
phóng thanh, Tổng thống Dương Văn Minh chỉ thị tất cả đơn vị còn
đang chiến đấu “buông súng đầu hàng” để bảo vệ sanh mạng, xương
máu của lính và dân.
Từ trong Côn Đảo, anh em Địa Phương
Quân và giới chức quản lý nhà tù bơi xuồng túa ra xin được theo
tàu Hải Quân rời đảo. Nhân viên chiến hạm yêu cầu họ thả súng
xuống biển trước khi lên tàu.
Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử.
Nước mất, nhà tan, chúng ta, những người Chống Cộng bảo vệ Tự Do,
bỗng trở thành những người Vô Tổ Quốc. Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn
tung bay trên các kỳ đài chiến hạm đang hải hành ngoài hải phận
quốc tế nhưng đối với thế giới thì ngọn cờ này không còn tồn
tại.
HQ Trung tá Trần Hương
Khóa 9/NT
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by nguyễn vân tùng chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, December 26,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang