Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự Truyện
Chủ đề:
lính kể chuyện chiến trường
Tác giả: MĐ
Cù Lũ Nhí, Châu Nhái
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tặng
Nhóm Cù Lũ Nhí và các Đích Thân
(Hà ĐĐT/21, Tuấn Con PĐT/B2/TĐ2PBND, Thọ PĐP/B2/TĐ2PBND)
Quận Thường Đức thuộc tỉnh Quảng Nam, tọa lạc bên
dòng sông Vu Gia thơ mộng nước chảy êm đềm, cũng là nhánh hạ
nguồn của sông Côn (sông Bung) chỉ cách Quốc lộ 14B (còn gọi
là Đường Mòn HCM) không đầy 25km, là nơi đặt BCH chi khu
Thường Đức và hậu cứ của TĐ79/BĐQ/BP thuộc Liên Đoàn 14 Biệt
Động Quân, căn cứ nằm cạnh ngọn Đồi 52, còn gọi là Núi Đất,
gần quận Đại Lộc.
Tuy nhiên, Thường Đức đã trở thành
quận lỵ đầu tiên của VNCH rơi vào tay cộng sản sau ngày
ngưng bắn, khi CSBV bất thần vi phạm hiệp định Paris, xua 2
SĐ chính quy thiện chiến (304 và 324B) và 1 SĐ quân địa
phương, dốc toàn lực thẳng tay dứt điểm vào đầu tháng
8/1974, đây cũng là trận đánh thăm dò khả năng yểm trợ và
viện trợ của chính phủ Hoa Kỳ dành cho QLVNCH sau ngày ký
hiệp định Paris ngưng bắn 28/1/1973...
Như đã
long trọng tuyên hứa trước đây, rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ
tiếp tục viện trợ “một đổi một” và bảo vệ cho QLVNCH không
bị mất từng tấc đất trong trường hợp CSBV vi phạm hiệp
đinh... Tuy nhiên, sau “trận đánh thăm dò”, nếu phía Hoa Kỳ
không phản ứng quyết liệt hoặc ngoảnh mặt làm ngơ... họ sẽ
tiếp tục leo thang chiến tranh một cách toàn diện, đưa đến
cái gọi là “Chiến Thắng Mùa Xuân 1975”, chiếm trọn miền Nam
trong những ngày sắp tới...
Sau khi khống chế vị trí
chiến lược Thường Đức, theo sau là những đợt pháo kích chính
xác vào thành phố và sân bay Đà Nẵng, dồn dập và liên tục
hơn bằng hỏa tiễn 122ly và đại pháo 130ly phát xuất từ những
ngọn đồi chiến lược nơi đây, đã làm cho chính quyền VNCH
không thể ngồi yên.
SĐND bấy giờ trấn thủ ngoài Vùng
1, đang giữ vững từng tấc đất ngoài chạm tuyến từ Huế trải
dài ra Quảng Trị trong thế da beo. Sau khi bàn giao trách
nhiệm ngoài vùng 1 cho SĐTQLC cùng các đơn vị BĐQ và SĐ1BB,
bắt đầu được không vận vào vùng, chuẩn bị tham gia trận đánh
lịch sử tái chiếm quận lỵ Thường Đức. Đây là trận chiến lớn
nhất của SĐND kể từ sau ngày ký Hiệp Định Paris.
Quân
tham chiến gồm 2 Lữ Đoàn ND đánh theo chiến thuật xa luân
chiến, LĐIND gồm các TĐ1, 8, & 9ND và TĐ1PBND, LĐIIIND gồm
các TĐ2, 3, & 6ND và TĐ2PBND, lần lược được không vận vào
vùng, trải dài từ Đèo Hải Vân xuống quận Hiếu Đức và Đại
Lộc, BHC/SĐND đặt tại bán đảo Sơn Trà, Non Nước, Đà Nẵng...
Sau khi điều nghiên trận địa, để tái chiếm quận lỵ Thường
Đức, SĐND sẽ bằng mọi giá phải đánh chiếm các cao điểm chiến
lược trong vùng bao gồm các cứ điểm Đồi 1025, 1052, 1062, và
D1, D2... sau đó, đánh dần xuống các ngọn đồi áp sát bên
trên chi khu Thường Đức như Đồi 400, 383, 126, và Đồi 52
ngay bên cạnh chi khu Thường Đức. Với quân số khiêm nhường 1
chọi 6, nhưng chỉ với bằng ấy quân tham chiến, SĐND đã xa
luân chiến gieo cho quân CSBV một nỗi kinh hoàng, trước khí
thế chuẩn bị dứt điểm chiếm lại Thường Đức, TĐ2ND giành lại
ngọn Đồi 383 một cách ngoạn mục, một chiến thắng để đời
trước khi QLVNCH bị người anh em đồng minh phản bội vào mùa
đông 1974, khi Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định cắt gói viện trợ
cuối cùng dành cho VNCH...
Chúng tôi, nhóm SQ trẻ
được mệnh danh Cù Lũ Nhí (Châu, Phúc, Nghị, Hồng, và Huyến)
cùng đơn vị TĐ2PBND đang đóng tại căn cứ Chuồng Bò chung với
BCH/LĐIIIND gần ngã ba Đại Lộc. Một buổi sáng đẹp trời tại
căn cứ, chúng tôi được mời lên BCH/TĐ nghe thuyết trình về
tình hình đang xảy ra dồn dập bên trong Thường Đức, bấy giờ
chiến trận đang đến hồi quyết liệt, các TĐND trên tuyến đầu
ngày đêm giao tranh giành nhau từng tấc đất, nhiệm vụ chúng
tôi sẽ tăng cường vào thay thế cho các đơn vị bất cứ lúc nào
khi cần thiết, và trong tình hình khẩn trương đó, khi các
TĐND thay quân trong thế trận xa luân chiến, chúng tôi phải
ở lại chờ đi đề lô cho đơn vị mới.
Trong đêm liên
hoan tiễn chúng tôi ra ngoài mặt trận, vị Thiếu tá TĐT
TĐ2PBND mà anh em thương mến gọi là Anh Sáu (Lũng), Nguyễn
Ngọc Triệu, tuyên bố bỏ thuốc lá nên có nhã ý tặng lại chiếc
quẹt Zippo cho bất cứ ai trúng thăm để làm kỷ niệm... không
biết sao tôi may mắn trúng được cái Zippo có khắc tên “Th/T
Nguyễn Ngọc Triệu thân tặng”. Có lẽ đây cũng là cái duyên
giữa tôi và anh Sáu từ khi diện kiến anh lần đầu cho đến bây
giờ... (sau này cũng vì cái Zippo có hàng chữ đó làm cho tôi
vất vả, bị biệt giam trong trại tù CS).
Những ngày
chờ bổ sung vào vùng hành quân, chúng tôi có dịp đi chơi ở
Đại Lộc, Tùng Sơn, Ái Nghĩa, Cầu Chìm hoặc ngược về Tuý Loan
thưởng thức món mì Quảng đặc sản vùng này. Tuổi trẻ đang độ
xuân thì, tuổi ăn chưa no lo chưa tới, nhóm SQ trẻ Cù Lũ Nhí
chúng tôi chưa hề nghĩ đến những chết chóc hiểm nguy và gian
lao sắp diễn ra chỉ trong vài ngày sắp tới... và chuyện gì
đến sẽ đến, 5 đứa chúng tôi lần lượt được đưa vào bổ sung
cho các đơn vị đang hành quân bên trong Thường Đức, những
đơn vị tác chiến cấp đại đội đang thiếu hụt các SQ Tiền Sát
Viên ngày đêm đóng ngoài chạm tuyến. Lần lượt, Phúc, Huyến,
và Hồng theo chân ĐĐ21, ĐĐ22, và ĐĐ24, TĐ2ND vào Hà Nha rồi
lên Dãy Sơn Gà để chuẩn bị tái chiếm Đồi 383, Nghị về bán cà
rem (đi đề lô) cho ĐĐ31, TĐ3ND cũng đang nằm trải dài trên
dãy Sơn Gà từ cao độ 850 lên tới đỉnh 1025, đang vất vả tiến
lên chiếm lại từng góc núi (sau này khi TĐ5ND vào thay thế
thì SQ Đề Lô sẽ ở lại chờ đơn vị mới chứ không được rút ra
theo TĐ3ND). Riêng TĐ6ND không cần SQ Đề Lô, cho nên cuối
cùng tôi được “ưu tiên” lên đài quan sát 1025, đỉnh 1025 chỉ
cách ngọn đồi chiến lược 1062 chừng vài trăm mét chim bay,
qua vài cái yên ngựa.
Đêm trước đó tôi được mời lên
trình diện Thiếu tá Hóa, TĐP TĐ2PBND và Thiếu tá Việt (Đại
Cồ Việt), SQ/B3/TĐ2PBND, 2 vị cho tôi biết sẽ “được” lên đài
quan sát trên cao, với nhiệm vụ gắn liền với mắt thần (Viễn
Kính Lưỡng Mục) quan sát tổng quát toàn khu vực. Trong lòng
tràn đầy sung sướng, tôi nghĩ rằng ở “Đài” chắc là thoải mái
lắm, không phải ôm thùng cà rem (PRC25) lội theo các đơn vị
hành quân ngày đêm tiếp cận địch ngoài chạm tuyến, vì chưa
hình dung công việc ra sao, vả lại, hơi đâu mà lo, đã vào ND
thì phải mang tâm niệm: Nhảy Dù Cố Gắng!!!
Nhóm PB
chúng tôi gồm 3 người, tôi và 2 đệ tử (Trung sĩ Bé và Hạ sĩ
Hùng), hành trang mang theo gồm 1 ống dòm, 1 viễn kính lưỡng
mục (DM60–M1) với ống ngắm 3 chân, 1 máy PRC25 đầy đủ anten
lá lúa, và 7 đoạn. Cùng nhảy với chúng tôi là 1 nhóm cũng
mặc đồ bông, gồm 6 người, 3 người thuộc phòng 7 Nha Kỹ Thuật
của Quân Đoàn I, III người khác thuộc 1 đơn vị đặc biệt của
Không Quân, khi lên trực thăng tôi thấy họ đã ngồi sẵn trên
đó, tôi tưởng họ sẽ đi nhảy toán riêng rẽ ở một nơi nào đó
trên 1062, đâu ngờ lại nhảy chung toán với mình.
Trực
thăng thả chúng tôi trên đỉnh Đông Lâm, sau vài phút chạm
đất là 1 phùa pháo đủ loại của địch, chào đón chúng tôi một
cách ân cần từ 4 hướng chung quanh... Tôi lao mình xuống 1
giao thông hào sâu tới ngực đã được quân ND đào sẵn để tránh
pháo, sau khi định thần, tôi thấy mình đang nằm chung giao
thông hào với nhiều thương binh đang chờ di tản lên trực
thăng. Trong khi đang xác định điểm đứng trên bản đồ thì
nhận được lệnh nằm yên tại chỗ và chờ gặp viên thiếu uý
Trung đội trưởng 1, Trung đội trinh sát Dù, đơn vị này sẽ
giữ an ninh và bảo vệ chúng tôi trong suốt thời gian trên
đài quan sát, Tđ/TS đã nằm sẵn bên trên Dãy Sơn Gà cao độ
825, gần với các đơn vị thuộc TĐ8ND, chờ toán chúng tôi nhảy
xuống từ sáng tới giờ. Chúng tôi phải di chuyển ngay trong
đêm để tránh những cặp mắt cú vọ của đề lô VC, sau 4–5 tiếng
đồng hồ băng rừng, cố gắng bám sát theo toán Trinh Sát di
chuyển nhanh nhẹn trong đêm, để tránh tối đa nguy cơ vướng
mìn bẫy đã được VC đặt đầy trên vùng Đông Lâm và Sơn Gà này,
chống lại sức tiến quân như vũ bảo của đoàn quân ND đang
tiến dần về hướng tây lên đỉnh 1062.
Chúng tôi đến
nơi gần 2:00g sáng, ai nấy đều căng thẳng và mệt nhoài, sau
khi bàn giao nhiệm vụ và thay phiên cho toán cũ trên đài
quan sát (thuộc TĐ1PBND) đã nằm đó hơn tháng rưỡi nay, chúng
tôi được chỉ dẫn một cách rõ ràng tình hình cần phải đối phó
chung quanh, nhất là cảnh giác bọn bắn sẻ (snipper) và sơn
pháo, cách sinh hoạt trên ĐQS... Họ cũng rời ngay trong đêm
trước khi trời sáng.
Sáng hôm sau, tôi không thấy các
toán đã nhảy chung trên trực thăng hôm qua hiện đang ở đâu,
có lẽ, mỗi nhóm đều có nhiệm vụ riêng cũng đóng ở đâu đó
quanh đây. Ngày đầu tiên trên đài quan sát, tôi gọi cho Tam
Đa, viên thiếu uý Trung đội trưởng Trinh Sát thuộc ĐĐ3TSND
hẹn lên gặp hắn để nghe tường trình về tình hình chung quanh
ĐQS, bò theo triền núi lên đỉnh 1025 tôi mới hoàn hồn và
quan sát chung quanh khu vực của đài, ngọn đồi vừa được quân
ND chiếm lại hơn 2 tuần qua, vẫn còn vương mùi tử khí vì
chưa được ổn định nên xung quanh còn nhiều sơn pháo và
snipper của địch lẩn trốn, trên đường đi vẫn còn rải rác xác
các chiến binh CS đã chết sình thối đâu đó dưới những giao
thông hào... tôi phải bò và len lỏi qua từng hốc đá mần mò
lên giáp mặt với Tam Đa. Tôi thực sự ngỡ ngàng khi gặp Tam
Đa, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, đây chính là Tuấn Sùi, Trần
Lê Tuấn, là người bạn cùng khoá 9/72 với tôi bên Thủ Đức,
chúng tôi đã không gặp nhau từ khi 5 đứa cùng khoá 9/72 về
trình điện SĐND, mỗi đứa về mỗi đơn vị, tôi chỉ biết Tuấn
Sùi tình nguyện về Trinh Sát từ những ngày đầu tiên khi còn
ở Khối Bổ Sung, nhưng không biết hắn về ĐĐTS mấy, nào ngờ
gặp hắn nơi đây, giữa vùng hỏa tuyến gian nan trên đỉnh tử
thần này, Tam Đa cho tôi biết mọi chuyện cần thiết chung
quanh ĐQS, những chuyện cần cảnh giác... bây giờ tôi mới
thấy Tam Đa là một Trung đội trưởng TS thật phong trần, gan
dạ, và uy nghi... hắn có phong cách của một cấp chỉ huy tài
ba trong ĐĐ3TSND.
Chúng tôi bắt đầu làm quen với VKLM
quan sát toàn vùng, ĐQS thực ra là một hốc đá nằm cheo leo
ngay bên bờ vực của Đồi 1025, nhìn về phía đông có thể thấy
toàn vùng thành phố Đà Nẵng, thấy rõ từng chiếc phi cơ đáp
xuống và bay lên từ phi trường, về hướng tây và bắc là đồi
núi chập chùng kéo dài đến Liên tỉnh lộ 14B, chính là đường
mòn HCM dọc theo biên giới Việt–Lào, tây–nam là vực thẳm,
dốc đứng bên trên khu vực vách đá cheo leo có tên gọi Ba
Khe, vô cùng hiểm trở, bên dưới là nơi hội tụ 3 con suối lớn
tạo thành khu đầm lầy trước khi đổ vào sông Vu Gia, dưới
chân tôi là những ngọn Đồi 400, 383, 126, 52 (Núi Đất) nằm
sát chi khu Thường Đức, và con sông Vu Gia, chạy dài theo
hướng đông–tây, dọc theo Liên tỉnh lộ 4 len lỏi giữa 2 ngọn
núi cao ngược lên hướng sông Côn, Bến Giàng rồi Khâm Đức, và
xa xa là Quốc lộ 14... Bên kia sông Vu Gia là đồng bằng quận
Điện Bàn, và xa hơn nữa là Nông Sơn, mỏ than lộ thiên của
VN, bây giờ tôi mới hiểu tại sao SĐND phải bằng mọi giá phải
tái chiếm cho bằng được Đỉnh 1062 nơi quận lỵ Thường Đức đèo
heo hút gió này.
Khi được điều lên đây Thiếu tá Hóa
cho tôi hay rằng tôi phải ở đây ít nhất là 1 tới 2 tháng,
thực sự cũng không có đường xuống vì đường khó đi và rất
nguy hiểm, bây giờ mới thấy là buồn và... teo, trước kia
trong lòng cứ ngỡ rằng “Đài” Quan Sát là nơi có đầy đủ tiện
nghi, thoải mái, giờ nhìn thấy chung quanh toàn là núi non
hiểm trở, chúng tôi phải leo xuống đóng cheo leo bên trong
một hốc đá trên triền núi, bước ra là vực thẳm, thường phải
rút vào ở sâu trong hang để tránh tầm ngắm trực xạ của sơn
pháo và nhất là bọn bắn sẻ VC, khi nào cần thiết mới bò ra
quan sát, ngay cả khi bò ra cũng phải thật cẩn thận.
ĐQS được bảo vệ ngày đêm bởi Trung đội trinh sát Dù ngay
triền dốc bên trên đồi, đây là những hung thần chống đặc
công VC thường len lỏi vào tiêu diệt ĐQS khi chúng bị phát
hiện, đồng thời họ cũng cung cấp lương thực cho chúng tôi.
Trong những ngày tiếp tế phải đi thật xa và rất khó khăn mới
xuống được LZ, supply được trực thăng bỏ xuống đâu đó ở dãy
Đông Lâm và sau đó được các anh em TS mang về. Trên triền
đồi, quân ND đóng rải rác và cách đó không xa là chạm tuyến,
đỉnh Đồi 1062, D1, và D2... hằng ngày từ sáng sớm đến chiều
tối đều thấy VC bò lốp ngốp bên dưới giao thông hào, các đơn
vị ND quần thảo với họ hầu như hằng ngày, ở trên này lâu lắm
mới có một ngày yên lành, có thể đó là ngày có những chiếc
trực thăng sơn màu trắng đỏ của Ủy Ban Liên Hiệp Quân Sự 4
Bên bay giám sát vấn đề gì đó. Chúng tôi phải ngụy trang cây
antenna giấu dọc theo phía bên hông, sau thân cây để tránh
cặp mắt cú vọ của sniper và đề lô VC phát hiện, đa số chúng
tôi luôn ở bên đưới triền rất dốc để tránh pháo và dễ quan
sát mặt bờ sông Vu Gia và các ngọn đồi phía dưới, vị trí của
tôi nằm ngay bên trên đồi Mỏ Vịt 383.
Đồi 383 nằm
trên một vị thế chiến lược ngay bên trên chi khu quận Thường
Đức, trước đây là nơi đóng quân và đặt BCH và hậu cứ của
TĐ79/BĐQ/BP vừa bị tràn ngập vài tháng trước đây cho nên,
muốn tái chiếm quận lỵ Thường Đức thì Đồi 383 ắt phải là tâm
điểm chiến lược trước tiên quân ND phải giành cho bằng được,
đồng thời từ đây cũng có thể dễ dàng tiến xa và cao hơn bằng
những ngọn đồi thoai thoải, nhiều nơi là dốc đứng hướng về
Đỉnh 1062.
Nhìn đưới con mắt bình thường, ngọn đồi
trông giống như đầu và mỏ con vịt, cái đầu vịt ngày xưa cũng
đầy lông lá xanh um, nhưng từ khi quân ND vào trận địa, ngọn
đồi đã được hết TĐND này đến TĐND khác đánh chiếm, chiếm rồi
bị mất nhiều lần, cho nên bom đạn cứ ngày đêm rót xuống, giờ
đây đất đá bị cào lên và cây cối biến mất, đã trở nên ngọn
đồi trọc màu đất đỏ, trông càng giống cái đầu và mỏ vịt
nhiều hơn, bởi thế, người dân địa phương gọi là Đồi Mỏ Vịt,
khi giành được 383, các đơn vị ND từ đây có thể làm bàn đạp
tiến lên những ngọn đồi cao hơn trên đầu chính là ngọn đồi
chiến lược 1062, nơi là điểm đến của các đơn vị ND đang ngày
đêm giành lại từng viên đá, chiếm lại từng hốc núi, và sau
khi Đỉnh 1062 được ổn định thì đồi chiến lược 383 cũng là
bàn đạp chính để chiếm lại chi khu Thường Đức sau này.
Buổi sáng ở đài quan sát trên cao, nhìn xuống đồng bằng
sông Vu Gia một cách rõ ràng đến nỗi tôi có thể nhìn thấy
từng hoạt động bên dưới cả 2 bên ta và địch, nhiệm vụ của
tôi là yên lặng theo dõi và ghi nhận những đơn vị địch đang
đóng hoặc đang chuyển quân xung quanh, đặc biệt là tìm và
phát hiện những vị trí mới, nơi mà địch quân đang áp sát vào
những điểm đóng quân của các đơn vị ta, thường là những dấu
hiệu đất đỏ mới được đào lên, đó là những giao thông hào mới
để họ chuẩn bị cho trận đánh sắp đến, đồng thời đánh dấu
những vị trí phòng không thường là các giàn cao xạ 12.8ly,
pháo phòng không 37ly hoặc 57ly, và những vị trí đặt hỏa
tiễn 122ly hay đại pháo 130ly của địch trong vùng, những
giàn phòng không này ngoài việc bắn máy bay, còn được trực
xạ để yểm trợ cho bộ đội khi họ tấn công quân ta... Sau đó,
những vị trí được cập nhật trên bản đồ rồi báo cáo về
B3/BCH/TĐ và BCH/HQ/LĐ (Ban 3 Lữ Đoàn), cũng có khi báo cáo
trực tiếp cho những đơn vị đang đối diện với địch và làm mắt
thần cho họ, chỉ điểm cho họ biết vị trí những giàn phòng
không nằm gần họ để họ đề phòng hoặc khi cần có thể khống
chế nó dễ dàng... Bấy giờ VC thường tập trung trải dài từ
phía bên kia sông Vu Gia hướng Đức Dục. Có khi họ băng qua
sông tiếp ứng cho các đơn vị bên này sông dài lên hướng chi
khu Thường Đức, họ thường dùng ca nô trên sông Vu Gia để
tiếp tế lương thực và đạn dược, và đồng thời tải thương
ngược về hướng sông Côn, Khâm Đức.
Buổi sáng ngày
N... trung tuần tháng 10/1974, sau khi sương núi đã tan dần,
từ trên cao qua VKLM, tôi giật mình phát hiện VC đang lợi
dụng sương mù, tập trung đông quân trên cao độ 400, hình như
họ đang áp sát và di quân về phía đồi Mỏ Vịt nơi đóng quân
của ĐĐ21/TĐ2ND, tôi khám phá rất nhiều giao thông hào mới
được đào lên, những dấu hiệu đất đỏ mới đào tiếp cận sát bên
đồi Mỏ Vịt, nhìn dưới bờ sông Vu Gia, một toán quân VC khác
đang chuyển quân cũng áp sát từ chân Đồi 126 phía sau chi
khu Thường Đức hướng lên núi về phía đồi Mỏ Vịt, rõ ràng cả
hai toán quân từ hai nơi đang tập trung về Đồi 383. Nhớ 2
hôm trước tôi liên lạc với Phúc Con, nó cho tôi biết đang đi
đề lô cho ĐĐ21 đang nằm phè phỡn trên cánh rừng chồi thưa,
nằm “chờ thời” trên triền đồi Mỏ Vịt (Đồi 383), từ hôm lên
đây đến giờ chưa từng đánh đấm gì cả, còn Huyến cũng đang đi
bán cà rem cho ĐĐ24, cũng đang nằm “phè” phía sau, tôi giật
mình liên tưởng VC có thể giờ đây đang chuẩn bị đón chào
ĐĐ21 cũng nên. Tôi bắt máy gọi cho ông Việt (Đại Cồ Việt,
SQ/B3 TĐ2PBND) báo cáo tình hình VC đang chuyển quân hình
như đang chuẩn bị tấn công ĐĐ21, ĐT Việt bảo tôi ước lượng
quân số địch, tôi ước lượng ít nhất là cấp tiểu đoàn và cho
hay sương mù đang dầy đặc và sẽ tan trong vài giờ nữa. Qua
tần số, tôi nghe Đại Cồ Việt nói chuyện với Anh Sáu Lũng
(Thiếu tá Nguyễn Ngọc Triệu, TĐT/TĐ2PBND) yêu cầu xin
phi+pháo. ĐT Việt liên lạc ngay về LĐ, tôi nghe trên máy họ
đang tập trung phối hợp hỏa lực, gồm mấy PĐ của TĐ2PBND đang
nằm rải rác chung quanh, cộng với mấy PĐ/PB Diện Địa 105ly,
155ly đóng ngoài Cầu Chìm, Hà Nha, Đại Lộc, và bên kia sông,
Hiếu Đức, có cả đại pháo 175ly nữa, đồng thời cũng cần thêm
vài phi vụ A37 dứt điểm sau cùng, khi hỏa tập TOT ngưng tác
xạ và thần ưng chấm dứt là thời điểm thích hợp cho quân ta
xung phong vào dứt điểm. ĐT Việt bảo tôi chấm tọa độ 4 góc
cho Đồi 126 và 4 góc khác trên đồi 400, chuẩn bị sẵn sàng
cho hỏa tập TOT.
Trên tần số tôi nghe ĐT Tuấn Con (Đại
uý Tuấn Trần, PĐT/PĐ/B2/TĐ2PBND) điều ĐT Thọ (Trung uý Lê
Văn Thọ, PĐP/PĐ/B2) kéo mấy khẩu M2 chở đầy đạn bò lên dãy
Sơn Gà, cố lợi dụng sương mù kéo pháo áp sát ngay bên trên
Đồi 383, nằm đó góp phần trực xạ ngay trên đầu địch quân khi
hỏa tập TOT bắt đầu, sẽ bắn tối đa cho đến khi hết đạn và
rút nhanh để tránh pháo địch.
Khi tôi liên lạc về Lữ
Đoàn, cả ông Việt và LĐ yêu cầu tôi làm mắt thần cho cuộc
hành quân khi TĐ2ND tấn chiếm Đồi 383 và 126, đồng thời ĐT
Hà (ĐĐT/ĐĐ21/TĐ2ND) cũng gọi cho tôi nhờ tôi giúp Phúc Con,
anh hứa sẽ gởi lên cho tôi 1 cặp Johnny Walker sau khi xong
nhiệm vụ. Tôi bắt máy gọi cho Phúc Con và thông báo cho nó
biết hỏa tập đang chuẩn bị và tình hình đang khẩn trương xảy
ra quanh họ, khi đó VC chỉ còn cách nó một khoảng cách rất
gần. Phúc bảo, tôi không nhìn thấy gì cả vì sương mù vẫn còn
dầy đặc trên đầu, tuy nhiên trên cao tôi nhìn thấy rõ ràng
cuộc di quân áp sát từ hướng VC vào Đồi 383. Tôi bảo Phúc
Con yên tâm và yêu cầu nó ghi lại các điểm cận phòng và chỉ
rõ những điểm VC đang tập trung quân trên bản đồ, cùng những
vị trí hỏa tập TOT để 2 đứa cùng nhau phối hợp điều chỉnh cả
phi và pháo.
Lợi dụng lúc sương mù chưa tan trên vùng
Đồi 383, tôi bắt đầu chỉnh khói cho từng block TOT... may
quá! Cả trái khói và sương mù đều giống nhau, chỉ có tôi
trên cao có thể phân biệt dễ dàng. Sau khi hoàn tất tọa độ
cho cả 2 khu TOT, tôi quan sát chung quanh mục tiêu, thấy
bên dưới đồng bằng sông Vu Gia có rất nhiều ca nô đang đổ ra
từ hướng sông Côn, tôi đưa VKLM quan sát rõ xem họ đang chở
gì mà tấp nập đến thế, nhìn rõ đến đỗi còn thấy quân phục
của bộ đội chính quy VC miền Bắc đang chuyển trên ca nô từ
trong sông Côn ra, đồng thời họ mang theo nhiều thùng đạn
tiếp tế, thì ra họ vừa chuyển quân tăng cường cho tốp trên
đồi vừa tải thêm đạn dược cho chiến trường. Tôi báo cáo mọi
hành động về LĐ, họ vẫn bảo tôi chờ đợi nhưng trong tư thế
sẵn sàng.
Đúng như tôi dự định, họ đang chuẩn bị tấn
công đồi Mỏ Vịt bằng 2 hướng, 1 từ trên đồi và 1 từ dưới
sông lên, khi VC trên đồi 400 áp sát xuống chỉ cách ĐĐ21
chừng 150m, và toán quân tiếp viện bằng ca nô từ sông Vu Gia
kéo lên cũng cách ĐĐ21 và ĐĐ22 không xa, tôi báo cáo cho ĐT
Việt và SQ/B3/LĐ. Trên hệ thống tôi nghe phía PB/Diện Địa
(155ly và 175ly) đã sẵn sàng tác xạ. Sau đó TĐ2PBND bắt đầu
bắn những trái đầu tiên trước khi đợt TOT bắt đầu, tôi điều
chỉnh lại một lần nữa, kéo sát vào ĐĐ21 chừng 100m, ông Hà
bảo gần hơn 50m nữa. Cuối cùng là thời điểm Hỏa tập TOT bắt
đầu được các bên đồng loạt khai hỏa, trên hệ thống PB/DĐ
155ly bên kia sông nhả đều thật nhanh, dồn dập, cùng phối
hợp nhịp nhàng với đại bác 175ly một cách chính xác, tôi gào
lên trong máy cho ĐT Việt hay là cả 2 block TOT rất đẹp và
hữu hiệu. Tôi nghe Phúc Con và ĐT Hà cho ĐĐ21 chuẩn bị sẵn
sàng tapi, để lại tất cả ba lô tại vị trí, chỉ mang vũ khí
và lựu đạn để dễ bề di chuyển nhẹ nhàng. Trên cao độ của
đỉnh Sơn Gà, mấy khẩu 105 M2 của Trung uý Thọ trực xạ đều
đặn, chính xác, và dồn dập xuống đồi 400, rải đều cho tới
khi phùa TOT ngưng tác xạ, vừa đúng lúc trên máy vang lên
tiếng Thần Ưng đang bao vùng và tiếng nói của ĐQS/KQ đâu đó
trên 1025 đang chỉ dẫn những phi tuần A37, những con chim
ưng bay từ hướng Đức Dục lạng lách tránh phòng không, và
đang bắn trả lại những ổ phòng không 37ly, những đợt bom
được rót vào mục tiêu một cách ngoạn mục, chính xác, lúc đó,
những ổ phòng không khác trên cao phía sau Đồi 1062 bắn rát
quá, nhưng đồng thời nhiều sơn pháo 57ly và 75ly không giật
từ những đơn vị ND gần đó (TĐ1ND và TĐ8ND) đã khai hỏa tới
tấp vào những điểm phòng không này, khống chế chúng một cách
hữu hiệu làm một số câm họng, thì ra LĐ cũng đã phối hợp
nhịp nhàng để các đơn vị ND nằm gần đó có nhiệm vụ khoá
miệng những giàn phòng không này, đó là những địa điểm mà
tôi đã ghi nhận và báo cáo về LĐ trước đây. Những phi tuần
A37 sau khi đánh bom họ bay ngược chiều về hướng Đức Dục một
cách đẹp mắt, để tránh hệ thống phòng không trên cao bắn vào
bụng.
Sau phùa TOT của PB phối hợp đẹp mắt, mỗi block
hứng chịu vài ngàn trái đạn, và sau đó còn bồi thêm nhiều
phi vụ A37... Đứng trên cao tôi nhìn thấy rõ như ngay trước
mặt, tôi đưa LKVM quan sát từng khu vực từ đồi 400 xuống
383, 126 dài xuống sông Vu Gia thấy VC nằm la liệt khắp nơi,
một sự thiệt hại đáng kể.
Lệnh ngưng tác xạ vang lên
trên hệ thống, vừa khi mấy phi tuần vừa chấm dứt nhưng vẫn
còn đâu đó tiếng gầm thét trên không trung. Tôi nghe trên
tần số tiếng Phúc Con và ĐT Hà cùng ĐĐ21 và ĐĐ22 tapi chiếm
Đồi 126, 383, và 400, tôi còn nghe tiếng xung phong, tiếng
điều động tràn lên chiếm mục tiêu vang vang trên máy, cuộc
chiến đấu giành lại ngọn đồi như thế chẻ tre, tôi cũng lặng
người khi nghe trên tần số báo cáo TĐ2ND vừa mất đi 2 SQ trẻ
là Tạ Thái Bảo và Thiếu uý Tăng Thành Lân, đã anh dũng hy
sinh trên ngọn Đồi 126.
Từ trên cao tôi đưa VKLM theo
chân những bộ đồ rằn ri đứng lên xung phong, ào ào chạy trên
mục tiêu, lấn áp những chiếc áo xanh bộ đội miền Bắc có khi
phải đứng lên bỏ chạy khỏi những giao thông hào chằng chịt
vừa mới đào rạng sáng trên đồi, trong lúc ĐĐ21 và ĐĐ22 đang
tung hoành xung phong trên các mục tiêu thì tiếng súng cối
dưới chân Đồi 383 của TĐ2ND bên Hà Nha cũng bắt đầu vang dội
xa hơn để chặn đường rút quân của họ, tôi không có ở đó nên
không tận mắt nhìn thấy những chiến công từ các đồng đội
TĐ2ND, chỉ nghe báo cáo trên hệ thống về đại thắng, tịch
thâu nhiều vũ khí cộng đồng, địch quân thiệt hại rất nặng
nề, không chỉ ở Đồi 383 mà trên cao độ 400, và bên dưới Đồi
126 cùng với toán quân tiếp viện từ sông Vu Gia gần như bị
xoá sổ. Tôi nghe tiếng cười nói hả hê và cả tiếng chửi thề
ầm ĩ của Phúc con trên máy...
Dưới bờ sông Vu Gia giờ
là những chuyến tản thương của đám tàn quân SĐ 304, tôi cũng
ghi nhận nơi đến của những chiếc ca nô này, đó là bệnh viện
của Bắc quân bên bờ sông Côn và đâu đó là trại tù binh, nơi
nhốt những người lính VNCH gồm những ĐPQ, NQ, TĐ79/BĐQ/BP và
ngay cả một số phi công đã bị bắn rơi trước đây... những địa
điểm này được toán P7/NKT/BTTM trên ĐQS ghi nhận, chắc chắn
sẽ có những toán nhảy vào hỏi thăm và giải thoát tù binh sau
này.
Sau khi TĐ2ND chiếm được và củng cố 2 ngọn đồi
chiến lược 383 và 126 thì cửa ngõ tái chiếm quận lỵ Thường
Đức chỉ còn là thời gian trong tầm tay. Tuy nhiên bên kia
nửa vòng trái đất, người bạn đồng minh chúng ta đang khoá
dần đôi tay của những chiến binh ND đang thừa thắng trên các
mặt trận xung quanh ngọn đồi chiến lược 1062. Bên kia
Washington, D.C., quốc hội Hoa Kỳ cũng vừa biểu quyết cắt
gói viện trợ quân sự đợt cuối cùng cho VNCH mà họ đã hứa
“một đổi một” như trước đây... điều đó cùng nghĩa là bao
nhiêu súng đạn chúng ta tiêu pha tại Thường Đức sẽ không còn
được thay thế nữa? Nghĩa là hỏa tập TOT này là lần cuối cùng
của Pháo Binh Nhảy Dù trong cuộc chiến VN.
Hung tin
đưa đến trên truyền thông quốc tế về việc Quốc Hội Hoa Kỳ
bán đứng VNCH cho CSBV trong những ngày trước lễ Giáng Sinh
cuối năm 1974... thì đầu năm 1975, trận đánh đầu tiên vừa để
thăm dò phản ứng (QHHK) vừa để “kiểm chứng” thành quả kể
trên đã bắt đầu xảy ra tại Ban Mê Thuột. QLVNCH không còn
lựa chọn nào khác là phải ra lệnh cho SĐND rút bỏ khỏi mặt
trận Thường Đức trong khi các đơn vị ND đang bao vây chi khu
Thường Đức chuẩn bị tapi tái chiếm, như một hiệp sĩ bị trói
2 tay, phải ngậm ngùi rời bỏ, lên đường xuôi nam để “chống
đỡ” cái gọi là “Chiến thắng mùa xuân” của CSBV bằng những
khẩu súng M16 mang trên tay không còn đủ cấp số đạn, cùng
những nòng đại bác M2, 105ly của PB Dù được tiếp đạn một
cách nhỏ giọt... duy chỉ còn những trái lựu đạn lân tinh
dùng để phá súng thì đầy trong hầm pháo đội...
Nhân
dịp lên SJ thăm Phúc Con cuối năm, rồi trong cuộc hội ngộ
của nhóm Cù Lũ Nhí chúng tôi, đồng thời gặp ĐT Hà, cả 2 nhắc
đến trận đánh chiếm Đồi 383... Phúc Con gợi ý tôi nên viết
lại diễn biến trận đánh này. Hôm nay, ngồi moi lại từ trong
tiềm thức, như một cuộn phim được quay lại nhiều lần. Gởi
cho Phúc Con một chút kỷ niệm trận chiến Đồi 383 năm xưa ở
mặt trận Thường Đức, nơi mà hai đứa chúng tôi cùng nhau phối
hợp hỏa lực nhịp nhàng một lần duy nhất trong đời binh
nghiệp, cũng không quên nhắc lại cho Phúc Con và ĐT Hà...
rằng cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ nhận được cặp Johnny
Walker... ai đó vẫn còn nợ tôi...
Cù Lũ Nhí, Châu Nhái
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Thứ
Sáu, May 2, 2025
tkd. Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH