Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy bút
Chủ đề:
50 năm qh30t4đ
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Kính gởi
hương hồn
Y sĩ Đại uý TQLC Huỳnh văn Chỉnh (danh ca Trung
Chỉnh). Mất ngày 15/2/2025.
Kỷ
niệm là tiếng Hán Việt (viết chữ “Y”). Trong “Hán Việt từ
điển”, ông Đào duy Anh giải thích: “Kỷ–niệm: ghi nhớ không
quên (souvenir, commemoration)”. Tôi xin được thêm vào: “ghi
nhớ không quên... một sự kiện, v.v.”
Từ tiểu học đến
giờ, tôi luôn viết “kỷ niệm” và, nếu tôi nhớ không lầm,
người Việt Nam (như các ông Đào Duy Anh, Lê ngọc Trụ) luôn
viết “kỷ niệm”. Nhưng hôm rồi, tra từ “kỷ niệm” trong quyển
“Từ điển chính tả tiếng Việt” (Nhà xuất bản Giáo Dục, 1985)
của mấy học... giả bên nhà, thì chỉ có “kỉ niệm”! Cũng như
các: kỉ vật, kỉ yếu, kỉ cương, kĩ sư, kĩ thuật, v.v.! Do
“theo đúng các quy định chính tả tiếng Việt ban hành theo
Quyết định 240 QD (5/3/1984)” (tựa của Thứ trưởng Bộ Giáo
Dục VNCS Nguyễn cảnh Toàn)!
Những người vượt
biên sầu, xa quê hương, lâu lâu tra sách Việt (sau 1975),
chỉ thấy... sầu thêm! Không biết đường Kỳ Đồng, Ký Con bây
giờ có bị đổi thành Kì Đồng, Kí Con? Mà thôi, vậy cũng...
Tốt! Đọc “quốc kỳ” thì biết ngay cờ vàng, “quốc kì”: cờ đỏ;
cô “Bắc Kỳ” nho nhỏ khác với cô “Bắc kì” đo đỏ (!), kỹ sư
“chuyên” hơn kĩ sư, kĩ sư “hồng” hơn kỹ sư!, v.v.
Kỷ
niệm thì ai cũng có: vui, buồn, đẹp, không đẹp, v.v. Có
những kỷ niệm đáng nhớ và những kỷ niệm muốn quên, những kỷ
niệm trân quý và những kỷ niệm đau lòng. Những giờ phút sum
họp gia đình:
“cha tôi ngồi xem báo, bên cây đèn dầu
hao,
me tôi ngồi khâu áo...”
–(Kỷ Niệm – Phạm Duy)
Những năm tháng học trò, những ngày đầu đại học, những
đêm lửa trại, những “con đường tình ta đi”, ngày hôn lễ,
ngày sinh con, v.v. Là những kỷ niệm đáng trân trọng. Tết
Mậu Thân, đại lộ kinh hoàng, triệt thoái cao nguyên, những
năm tháng sau 30/4: tù đày, đói khổ, vượt biên, hải tặc,
v.v. Là những kỷ niệm muốn quên. Nhưng khó mà quên!!!
Những kỷ niệm khó quên, ít, nhiều, tùy mỗi người, nhưng
có lẽ “tình yêu” và “quân đội” là 2 “phạm–trù–kỷ–niệm” khó
quên nhất.
Những mối tình đầu, những yêu thương thầm
kín (“lòng ta chôn một khối tình”!) luôn để trong lòng người
những kỷ niệm khó quên, dù, có thể, chúng không phải là mối
tình “lớn” (l’amour de la vie) nhưng:
“Cái thuở ban
đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên.”
–(Thế Lữ)
Người Việt Nam, “nhân chi sơ” không là một thi sĩ, mà
chính tình yêu đã biến họ thành. Nhất là thuở học trò mới
lớn. Thơ tình của các “thi sĩ” học trò (trung học), ngoài
một thiểu số có biệt tài (Đinh Hùng, Nguyên Sa, Nhã Ca, Du
Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên, v.v.) thường, tuy không có gì “đáng
nói”, nhưng đó là những câu thơ “đáng nhớ” nhất của một đời
người!
Trước 1975, cuộc chiến bảo vệ đất nước đã
khiến nhiều chàng tuổi trẻ “xếp bút nghiên theo việc đao
cung”. Từ sân trường chuyển sang quân trường rồi chiến
trường! Tình yêu được thay bằng tình chiến hữu, huynh đệ chi
binh, vào sinh ra tử. Khác với nền “văn chương, nghệ thuật”
tuyên truyền ngoài Bắc, trong 21 năm chinh chiến, văn
chương, nghệ thuật miền Nam có rất nhiều sáng tác nói về
quãng đời trai thời loạn này mà tác giả là những
người–trong–cuộc: những người LÍNH, tay súng, tay bút! Tuy
nhiên, một trong những ca khúc tôi yêu nhất, lại được viết
bởi một người không thuộc giới quân nhân: Phạm đình Chương.
Ca khúc “Màu kỷ niệm”
(1965), tác giả tặng Nguyên Sa
(một người LÍNH biệt phái) như để cám ơn những câu thơ của
người bạn đã gợi hứng cho ông viết nhạc phẩm này. Khi người
LÍNH trẻ nhớ những lúc “tan trường về chung lối” bên “mắt
thuyền sương” (tôi yêu nhất mấy chữ này). Từ màu “trìu mến”
trên môi, sang màu áo người: hôm hoa cúc vàng, hôm lá trường
xanh, cho đến màu luyến thương của những dòng mực tím. Những
kỷ niệm đó trở về với người LÍNH trẻ trong một chiều hành
quân, khi ngang qua một cánh rừng thưa, thấy những sắc hoa
tươi, những “sắc hoa màu nhớ”, mà nhớ đến người. Và nhạc sĩ
đặt tên ca khúc là Màu Kỷ Niệm (mà, theo một tên bạn quỷ sứ
của tôi, “màu nho” mới đúng là màu kỷ niệm!)
Nói đến
kỷ niệm là nói đến một không gian, một thời gian trong quá
khứ, với một sự kiện, một cử chỉ, một hành động, một hình
ảnh, v.v.
Không biết sao chỉ có món quà mới được gọi
là kỷ vật? Kỷ vật có thể là cánh bướm ép thuở học trò, là
“của hồi môn” mẹ cho trước khi về nhà chồng, là quyển sách
bố tặng khi đậu tú tài, là cây đàn anh cho năm lên đệ tam,
là tấm hình bạn gởi năm đệ lục (dù cho ảnh có phai màu / xin
đừng xé bỏ đau... lòng bạn thân!), v.v. Nhưng cũng có thể là
viên đạn đồng đen, “kỷ niệm” của một người tiền tuyến gởi
một người hậu phương, lúc sang sông (Linh Phương)! Cũng có
thể là cái chứng chỉ tại ngũ của Trung uý di tản 75 Cao Tần,
“mất nước rồi giờ gia hạn nơi đâu”?! Hay là chiếc xe đạp anh
giấu gia đình, để lại cho người, trước khi vượt biên,
v.v.!!! Những cái kỷ vật “chết người” ấy được “cho” rất
nhiều ở miền Nam, sau ngày “oan trái”!!!
Ở các quốc
gia “tiên tiến”, vui hay buồn, những kỷ niệm “quan trọng”,
những cột mốc trong đời sống của một người, một “tập thể”,
một quốc gia hay cả thế giới (sự kiện) đều được tổ chức lễ:
lễ kỷ niệm!
Nguồn gốc lễ kỷ niệm xuất hiện từ rất
xưa, người cho là từ thời cổ đại, với các lễ tôn vinh các vị
thần, anh hùng lịch sử, người khác cho là khởi từ Công giáo,
v.v.
Có nhiều “loại” lễ kỷ niệm nhưng tôi tạm chia
làm 3: Sinh, Tử, “Ghi nhớ”! “Sinh”: như ngày quốc khánh,
ngày quân lực, ngày sinh nhật, ngày hôn lễ, v.v. “Tử”: ngày
giỗ. “Ghi nhớ” (vinh danh, tưởng niệm, v.v.): các ngày lễ
“truyền thống” (Lao Động, Chiến Sĩ Trận Vong, Phật Đản,
Giáng Sinh, Vía Bà Chúa Xứ, v.v.)
Có hai loại tổ chức
lễ kỷ niệm:
– Tập Thể:
Quốc Lễ do chính quyền
tổ chức
Lễ kỷ niệm của các tôn giáo (Phật Đản, Giáng
Sinh, vía Đức Chí Tôn (Cao Đài), sinh nhật “Đức Thầy” (Hòa
Hảo), v.v.), đảng phái (Việt Nam Quốc Dân Đảng), địa phương
(vía Bà), hội đoàn (Hướng Đạo), v.v. do chính các tổ chức
này chịu trách nhiệm
– Cá nhân:
Sinh nhật, hôn
lễ, giỗ, v.v.
Trước 1975, tôi không nhớ ngày Quân Lực
19/6 có là ngày “nghỉ lễ” không. Nhưng năm 1963, quốc lễ
miền Nam là các ngày:
Riêng về “người dân”,
ngoài ngày giỗ, ngày “lục tuần”, “thượng thọ”, xã hội miền
Nam rất ít các buổi lễ mừng sinh nhật. Trừ “đầy tháng” và
thôi nôi! Sinh nhật hôn lễ càng hiếm hơn nữa (hấp hôn thì...
khỏi nói!!!)
Sau 1975, những di tản, tù đày, nghèo
đói, v.v. khiến xã hội miền Nam, vốn đã tang tóc vì chiến
tranh, lại tan vỡ hơn sau “hòa bình”! Nhất là với mấy triệu
người vượt biên, vượt biển!
Ở hải ngoại, các cộng
đồng tị nạn Việt Nam lần lượt thành hình. Lớn hay nhỏ, nhiều
hay ít, “ngộ” hay không “ngộ cố tri”, ở chốn tha hương,
người tị nạn cố tìm đến với nhau, nhất là trong những dịp lễ
kỷ niệm. Để được hàn huyên bằng tiếng Mẹ, để cùng nhớ lại
ngày xưa, cùng ôn chuyện cũ, và, cùng khóc bên nhau!
Một trong những ngày lễ quan trọng của đồng bào hải ngoại là
ngày 30/4. Ngày nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bị xóa (!)
trên bản đồ thế giới đó, người tị nạn Việt Nam gọi là ngày
mất nước thi có một số người (bên nhà hay bên... đây!) mai
mỉa: nước Việt Nam vẫn còn đó tại sao bảo là mất? Nói như
thế là thiếu suy nghĩ, là bộp chộp, là... “không biết dựa
cột”.
Theo wikipedia
[1], trước 1975, quốc gia Việt
Nam Cộng Hoà đã thiết lập bang giao với 91 quốc gia trên thế
giới, và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế:
“
– Ủy ban Kinh tế của Liên hiệp quốc về Á châu và Viễn Đông
ECAFE (1954);
– Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực FAO
(1950);
– Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA
(1957);
– Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế ICAO (1954);
– Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA;
– Tổ chức Lao động
Quốc tế ILO (1950);
– Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (1956);
– Liên hiệp Viễn thông Quốc tế ITU (1951);
– Tổ chức Giáo
dục, Khoa học, và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO (1951);
–
Quỹ Thiếu nhi Liên hiệp quốc UNICEF, Liên hiệp Bưu chính
Quốc tế UPU (1951);
– Tổ chức Y tế Quốc tế WHO (1950);
– Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO (1955);
– Ngân hàng Thế
giới (1956);
– Ngân hàng Phát triển châu Á (1966); và
– Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO)
[Việt Nam Cộng hòa là
quan sát viên...]”.
Sau 1975, chính phủ VNCH sụp đổ,
quân lực VNCH không còn, quốc hội VNCH bị giải tán, tất cả
nhân viên cao cấp hành pháp (chính phủ), lập pháp (dân biểu,
nghị sĩ), tư pháp (chánh án, thẩm phán, công tố viên, v.v.),
quân nhân (sĩ quan), v.v. đều bị bỏ tù, mấy triệu người dân
bỏ chạy ra hải ngoại, không công nhận Nhà Nước CS, không
chấp nhận cờ đỏ sao vàng. Nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)
không còn, thủ đô Sài Gòn không còn. Khi người miền Nam tị
nạn CS nói “mất nước” là “mất nước VNCH” của họ. Bởi, nếu
không mất VNCH, người–dân–VNCH đâu liều chết, bỏ hết tất cả,
để thoát ra khỏi VN (vượt biên, HO, ODP, v.v.)? Họ vẫn hát
“Việt Nam nước tôi”, vẫn “Việt Nam hai câu nói sau cùng khi
lìa đời” dù là đời trên quê người, xứ “lạ”. Người Cộng sản
có xâm lăng miền Nam, có nhuộm đỏ cả nước nhưng đó chỉ là
chuyện nhất thời. Với người Việt Nam, dù sống ở đâu, Việt
Nam vẫn là Việt Nam, một Việt Nam của bà Trưng, bà Triệu,
của Lê Lợi, Quang Trung, v.v.: một Việt Nam không Cộng sản!
Ai bảo “mất Việt Nam” hồi nào? Chả nhẽ gọi ngày 30/4 là ngày
“mất Tự Do”, “mất của”, “mất mạng”, v.v.? Nhờ các ông bà tí!
Tiên nhìn kỹ... “kỷ” hậu lai xử bỉ! Muốn chỉ trích người
khác thì nên chịu khó suy nghĩ, chịu khó đọc sách, chịu khó
uốn lưỡi 7 lần! Mệt quá!
30/4/1975 là cái tang chung
cho người VNCH nhưng lễ kỷ niệm ngày quốc tang sẽ mất nhiều
ý nghĩa nếu không có sự hiện diện của người LÍNH Quân Lực
VNCH.
“Mất nước là mất tất cả” nhưng, khác với người
dân, người LÍNH miền Nam, họ mất thêm Công Lao và Danh Dự.
Những hy sinh hạnh phúc riêng tư, những chiến tích oai hùng,
có khi bị đánh đổi bởi một phần, hay nhiều phần trên thân
thể, trong bao nhiêu năm trời, để cuối cùng phải hộc máu mà
buông súng, phải cắn răng chịu ngục tù, sỉ nhục! Buông súng,
tan hàng, bao nhiêu người LÍNH di tản đươc? Nhờ chính sách
“định cư diện HO”, nhiều người “tù cải tạo trên 3 năm” có
thể thoát ra bên ngoài. Nhưng những người không bị tù (chuẩn
uý, hạ sĩ quan, binh sĩ) hay những công chức cao cấp, sĩ
quan không “bị” đến “3 năm” thì sao?! Đâu phải ai cũng vượt
biên được. Nên rất nhiều người LÍNH, không có “điều kiện”,
đành ở lại với mấy cột đèn!
Mấy năm gần đây, xem
video các buổi lễ kỷ niệm ở hải ngoại: ngày 30/4, ngày Quân
Lực VNCH, ngày đại hội các binh chủng, v.v. điều làm tôi xúc
động nhất là hình ảnh những người LÍNH già! Những ông “LÍNH”
oai phong lẫm liệt, huy chương đầy ngực áo, mới “ngày nào”
làm lễ, chào phắt ngon lành, đọc diễn văn hùng hồn, bắt tay
từng thuộc cấp cũ, bây giờ đã là những ông tiên tóc trắng
hiền từ! Một đàn anh tôi (về tuổi tác), Đại uý Bác sĩ Mũ
Đen, ở Montréal, hay gặp Đại tá Nguyễn thu Lương (1934),
nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn II Nhảy Dù, nói với tôi: “Đại
tá Lương, anh gặp thường lắm, rất khỏe mạnh, sáng suốt. Anh
Lương hiền khô, vậy mà chỉ huy cả một Lữ Đoàn Dù thì tài
thật”. Vâng, thưa anh, “Thiên Thần” chỉ dữ với “ác quỷ”
thôi!
Người LÍNH già! Old soldier! “Old
soldiers never die they just fade away”. “Người LÍNH già
không bao giờ chết họ chỉ dần dần tan biến”. Đây là một câu
trong bài diễn văn đọc trước quốc hội Mỹ của Thống tướng
MacArthur khi, tháng 4/1951, ông bị Tổng thống Truman cách
chức vì “lý do quân sự”:
“...
Tôi đang khép lại 52
năm nghĩa vụ quân sự. Khi tôi gia nhập quân đội, ngay cả
trước khi bước sang thế kỷ này, là để thực hiện tất cả những
hy vọng và ước mơ nam nhi của tôi.
Thế giới đã biến
chuyển nhiều lần từ khi tôi tuyên thệ nhậm chức trên đồng
bằng West Point, và những hy vọng và ước mơ từ lâu đã biến
mất, nhưng tôi vẫn nhớ điệp khúc của một trong những bản
ballad trong trại binh phổ biến nhất của ngày đó với lời
tuyên bố rất hào hùng rằng những người LÍNH già không bao
giờ chết, họ chỉ dần dần tan biến.
Và cũng giống như
người LÍNH già của bản ballad đó, giờ đây tôi khép lại cuộc
đời binh nghiệp của tôi và chỉ dần dần tan biến. Một người
LÍNH già đã cố gắng làm nhiệm vụ của mình như Chúa đã ban
cho người ấy ánh sáng để thấy nhiệm vụ đó. Xin tạm biệt.”
[2]
Trước 1975, Quân lực VNCH cũng đã có những người
LÍNH già. Nhưng, thế nào là “già”?
Nếu, với người
Việt Nam, tuổi “thọ” có cái mốc 70 (Nhân sinh thất thập cổ
lai hy. 70 chưa què chớ gọi rằng lành. Bà già tuổi 74, ngồi
bên cửa sổ viết thư kiếm chồng!, v.v.) thì tuổi “già” chưa
rõ ràng mấy. Bao nhiêu tuổi thì gọi là già?
Trong
tiếng lóng của giới trẻ miền Nam ngày xưa có “khứa lão”.
Không biết với người khác thì sao nhưng với đám “trẻ” chúng
tôi thời 1973, 1974: “khứa lão” chưa hẳn đã “lão”, mà là một
người đàn ông, lứa tuổi 30, có “điều kiện vật chất” để “cua
em”! “Lão”, với tôi, thời đó là “60”. Như ông Y Vân viết “60
năm cuộc đời”. 60 tuổi đã là một cái mốc–đời, khi người ta
làm lễ “lục tuần” (vào thu là đã xế chiều / đã già hơn nửa
cái điều nhân sinh / Bàng Bá Lân). Năm 1971, gia đình tôi
mừng lễ lục tuần “Thầy” tôi! Thầy tôi mặc quốc phục (không
có khăn đống) ngồi, cho các con dâng rượu, lạy! Mấy chục năm
sau, đến thế hệ tôi, tuổi đó, thì chỉ có cụng ly với... nhảy
đầm! Đầu thập niên 80s, đọc “Văn Nghệ Tiền Phong” của ông
(Hồ Anh) Nguyễn Thanh Hoàng, thấy thi sĩ Tinh Đà (Đa Tình) ở
“Cali”, 8 bó mấy que, vẫn “Let’s Twist Again” với Mai Lệ
Huyền!
Với anh Phan Nhật Nam (sinh 1943), “già” là
xấp xỉ 50.
Trong quyển “Dựa Lưng Nỗi Chết”, nói về
Trung tá Đào Văn Hùng, Lữ đoàn trưởng (LĐT) Lữ Đoàn II ND,
anh Nam viết: “Có thể nói sếp cũ của tôi là một ông già, già
nhất trong những người giữ nhiệm vụ chỉ huy đơn vị tác
chiến.... Lúc tôi đến đơn vị này, ông năm mươi tuổi; năm
mươi tuổi để tất cả đầu tóc bạc trắng và những nếp nhăn cày
sâu trên mặt, nhưng ông vẫn còn nguyên vẹn thái độ nồng
nhiệt đối với đời sống của ngày trai trẻ....”. Ông Đào văn
Hùng làm LĐT LĐIIND từ 15/6/1966 cho đến 10/7/1968 thì bàn
giao lại cho Trung tá Trần quốc Lịch. Anh Nam về Lữ Đoàn II
năm 1968 khi ông Hùng còn nắm LĐ. Năm 1968 ông Hùng 50 tuổi,
bài anh Nam viết 5/1969, lúc ông Hùng chuyển sang Bộ Binh,
rồi bị thương, rồi giải ngũ. Tôi đoán ông Hùng giải ngũ
khoảng 51–53 tuổi. Nhưng ông chưa phải là người LÍNH già
nhất QLVNCH. Bên Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) nghe “Ông già
đầu bạc”: Đại tá Nguyễn thành Yên (nguyên Tư Lệnh Phó
TQLC/1968), cứ ngỡ ông lớn tuổi lắm. Sau này mới biết, ông
giải ngũ năm 1972, lúc 48 tuổi (và mất năm 1973!). Như thế,
Trung đội trưởng Nguyễn văn Mới là người LÍNH già nhất
QLVNCH.
Bài báo viết dưới đây ghi ngày thứ năm 22/4
(không biết năm nào?). Xem trên internet thì thứ Năm, 22/4
chỉ có ở các năm: ... 1965, 1971, 1976. 1965 sớm quá, 1976
trễ quá, nên đó phải là 22/4/1971. Có nghĩa là Trung đội
trưởng (địa phương quân?) Nguyễn văn Mới sinh năm 1899?!!!
Nhưng, theo đoạn video kèm theo, thu tháng 5/1974, ông Mới
chỉ đầu quân 1972 (?), sau khi Việt cộng bắn con ông.
[3]
Gì thì gì, ông Mới cũng là người LÍNH VNCH già nhất.
Trái với cái tên của ông: lúc nào cũng là LÍNH “Mới”!
1975, Việt Nam Cộng Hòa có trên 1 triệu quân nhân (“trên
giấy tờ”). Tính từ ngày thành lập (1950) cho đến 30/4/1975,
quân đội Việt Nam có 173 vị tướng (giáo phái + “truy phong”)
gồm: 1 Thống tướng, 5 Đại tướng, 49 Trung tướng, 46 Thiếu
tướng, và 72 Chuẩn tướng. Sau 30/4, có 38 tướng bị tù cải
tạo (2–17 năm), trong đó có 9 tướng, tuy đã giải ngũ, nhưng
vẫn bị tù! [4]
2025, người LÍNH trẻ nhất năm 1975 (nhập ngũ 18 tuổi) đã
sắp đến tuổi “cổ lai hy” (68 tuổi). Số tướng lãnh còn sinh
tiền, đều ở hải ngoại, đếm trên đầu ngón tay (nghĩa đen)!
Tìm tòi trên mạng, cấp trung tướng có thể chỉ còn Tướng Trần
văn Trung (sinh 1926), nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Chiến
Tranh Chính Trị. Nói là “có thể” vì có thể tin tức chưa cập
nhật. Thí dụ như các Chuẩn tướng: Phạm Hà Thanh, Vũ đình
Đào, hai vị đã thất lộc từ mấy năm nay, nhưng trên mạng vẫn
để trống năm từ trần! Cấp Thiếu tướng thì, có thể, còn 4 vị!
Nguyễn Khắc Bình (sinh 1931/Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia),
Nguyễn Duy Hinh (sinh năm 1929/Tư lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh),
Phan đình Niệm (sinh 1931/Tư lệnh Sự Đoàn 22 BB), Đào duy Ân
(sinh 1932/Tư lệnh phó Quân Đoàn III). Cấp Chuẩn tướng:
Nguyễn Chấn (sinh 1931, Thứ trưởng Bộ Canh Nông), Phạm hữu
Nhơn (sinh 1928, Trưởng phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu); Huỳnh văn
Lạc (1927/Tư lệnh Sư Đoàn 9 BB), Nguyễn văn Giàu (sinh 1932,
Phụ tá Đặc Biệt Tư lệnh CSQG). Tất cả: 9 vị, nhỏ tuổi nhất
là 93, lớn nhất 98!
Sau 1975, người miền Nam không
nghe một tin tức gì liên quan đến các quân nhân QLVCH, ngoại
trừ chuyện “học tập cải tạo”. Cá nhân tôi, chỉ khi sang bên
đây (cuối 1979), đọc các bài viết, mới biết về các tướng tự
sát! Nhưng không phải vì thế mà người “bên–thua–cuộc” không
nhớ đến những người Chiến Sĩ Cộng Hòa, những người đã chiến
đấu, bảo vệ miền Nam!
1976, lúc đó chưa có phong trào
vượt biên, vượt biển, người miền Nam nào cũng nghĩ đời mình
sẽ “tàn trong ngõ hẹp”! Thôi thì trời sinh voi, sinh... bobo
(thế gạo), tới đâu thì tới! Nhưng không có chuyện “thằng câm
ăn ớt”, cay xé miệng mà chỉ biết “ơ, ơ”! Nên mới có kho tàng
“ca dao, tục ngữ XHCN”! Một đêm, không nhớ lúc nào, không
hiểu vì sao, tôi chợt nghĩ đến người LÍNH Cộng Hòa. Và tôi
viết “Anh LÍNH già, cây kèn rỉ sét!”,
mượn hình ảnh đánh nhau ở chiến trường trong phim ngoại quốc
ngày xưa (nội chiến Nam–Bắc Hoa Kỳ chẳng hạn) để nhớ về
người LÍNH VNCH!
ANH LÍNH GIÀ, CÂY KÈN RỈ SÉT!
“...
Thổi kèn
thúc ba quân ra trận
Bạn kế bên nổi trống liên hồi
Chủ
tướng cười uy nghi nửa miệng
Ta sá gì một lũ ma trơi
Thổi kèn, chiến địa phơi đầy xác
Xác kẻ thù với xác
anh em
...
Thổi kèn, một thời xưa đã mất!
Anh
LÍNH thời xưa cũng đã già
Cây kèn rỉ sét treo trên vách
Chỉ làm nhớ lại những ngày qua!
Anh LÍNH già, cây kèn
rỉ sét!
Đời đã quên rồi nhịp vó câu!”
–(BP, 1976)
Đời, dù không là “ý lớn”, vẫn có những
“gặp nhau” ngộ nghĩnh! Khi viết “anh LÍNH già” năm 1976, tôi
chỉ muốn nói đến người LÍNH VNCH, muốn vinh danh những người
hùng đã thuộc về quá khứ, dù mới hôm qua, hoàn toàn không
nghĩ rằng, mấy chục năm sau, ở hải ngoại, có “Người LÍNH Già
Oregon”: Đại uý QLVNCH Nguyễn kim Quý (mới thất lộc hôm
11/2/2025!), một ngòi bút chống CS “hết mình”! Có ca khúc
“Người LÍNH già xa quê hương” của Duy Khánh:
“Người
LÍNH già xa quê hương
Nghe trong tim đêm ngày trăn trở...”
–(Duy Khánh)
Viết “người LÍNH già”, bởi vì 3 chữ đó
làm tôi đau xót, bởi vì tôi nhớ đến mấy câu “Hồ Trường” của
(?) cụ Nguyễn Bá Trác: “... Chí chưa thành, danh chưa đạt,
trai trẻ bao lăm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà
dương....”.
Nói “người LÍNH già” là một cách nói.
Bởi, không chỉ có người LÍNH mới già. Nhưng 3 chữ đó đưa ra
một hình ảnh, khác với cái hình ảnh “hiền hậu, bao dung” của
những “người mẹ già, người cha già, người thầy già, v.v.”.
Người LÍNH già (VNCH), trước hết, là một người LÍNH: một
người cầm súng bảo vệ quê hương. Đời LÍNH “rày đây, mai đó;
sống nay, chết mai”. Cái câu “thường nghe” đó, nghĩ lại,
không “thường” tí nào. Nó đưa ra hình ảnh của một người
“sống, cho người khác sống” và “chết vì người khác”: người
đồng bào của anh! Trong khi “đồng bào” quây quần trong bữa
cơm gia đình, chăm chỉ học bài, thong thả nhấm ly cà phê,
thả hồn theo tiếng nhạc, ôm ấp vuốt ve nhau, v.v. Thì người
LÍNH đang băng rừng, lội suối, đang xung phong đuổi giặc hay
đang chống trả tuyệt vọng với kẻ thù, v.v. Có Bình Long Anh
Dũng, Kontum Kiêu Hùng, Trị Thiên Vùng Dậy, Bình Định Quyết
Chiến Quyết Thắng, v.v. nhưng cũng có “Đồi 31 Hạ Lào”, có
“Người ở lại Charlie” hay Tống Lê Chân ngậm ngùi di tản!
Trong 21 năm chiến trận, đã có trên, dưới 250,000 người
LÍNH miền Nam không có “diễm phúc” được già như thiên hạ!
Ngày 30/4/1975 là ngày mà toàn thể quân nhân Quân Lực VNCH
bị bắt buộc trở thành “già”! Một thứ “già không đợi tuổi”.
Khác với người LÍNH về già giải ngũ, người LÍNH
Ngũ–Tử–Tư–miền–Nam, chỉ một đêm thức trắng, sáng ra, đã
trắng mái đầu! Họ buông súng (nhưng không quy hàng)! Vì tuân
theo quân lệnh. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Thi hành
trước, khiếu nại sau. Nên mới có một số bỏ vào rừng tiếp tục
chiến đấu. Nên mới có 5 ông tướng và nhiều người khác “thi
hành trước, tự sát sau”!
Người LÍNH già, với tôi, là
một người già “khác người”. Dẫu tóc họ bạc, tay họ run, lưng
họ còng. Dẫu họ ngồi xe lăn, họ nói năng chậm chạp, v.v. Bởi
cái bóng quá khứ của họ lớn quá! Nó bao trùm tất cả. Nó che
mất cái “già” của một người “bình thường”. Không cần phải
gặp mặt, phải xem hình. “Người LÍNH già” miền Nam, ở đâu,
quê hương hay hải ngoại, với tôi, vẫn là một người “hiên
ngang”, tuy không còn quắc thước. Trong giọng nói, trong cái
nhìn, qua cử chỉ. Và rồi, như khói, như mây, theo cơn gió
thời gian, họ sẽ dần dần tan biến (“Old soldiers never
die they just fade away”). Nhưng không bao giờ chết.
Nhất là những người LÍNH Việt Nam Cộng Hòa. “Anh
không chết đâu anh!”
–(Trần thiện Thanh)
Những chiến sĩ bảo vệ quê hương thì không bao giờ chết!
Không bao giờ!
BP
17/02/2025
Tác giả ghi chú:
[1]
vi.wikipedia
[2] I
am closing my fifty–two years of military service. When I
joined the army, even before the turn of the century, it was
the fulfillment of all my boyish hopes and dreams.
The world has turned over many times since I took the oath
on the plain at West Point, and the hopes and dreams have
long since vanished, but I still remember the refrain of one
of the most popular barracks ballads of that day which
proclaimed most proudly that old soldiers never die; they
just fade away.
And like the old soldier of that
ballad, I now close my military career and just fade away,
an old soldier who tried to do his duty as God gave him the
light to see that duty. Good bye)
(Diệu Sương dịch)
[3]
video trực tuyến theo dấu giày sô
[4]
blog biển xưa
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, May 2, 2025
tkd. Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH